Giới chức bầu cử Brazil ngày 30/10 tuyên bố chính trị gia Luiz Inacio Lula da Silva giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống khi nhận được 50,83% phiếu bầu, trong khi ông Jair Bolsonaro nhận về 49,17% số phiếu. Theo truyền thống, các chính trị gia thường phát biểu nhận thua sau khi thất bại. Tuy nhiên, 24 giờ sau khi kết quả được công bố, ông Bolsonaro vẫn chưa công nhận kết quả.
Tổng thống cực hữu không phát biểu công khai, cũng không lên tiếng trên các tài khoản mạng xã hội. Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Michelle Bolsonaro phủ nhận tin đồn hôn nhân trục trặc sau bầu cử, sau khi bà và chồng được cho là đã bỏ theo dõi nhau trên mạng xã hội.
Các nhà báo AFP cho biết ông Bolsonaro, người thường được gọi là "Donald Trump của Brazil", rời dinh thự đến phủ tổng thống sáng 31/10 mà không bình luận gì. Ảnh chụp cho thấy ông đi xuống hành lang văn phòng tổng thống với gương mặt đăm chiêu.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Donald Trump cũng từ chối nhận thua, điều được cho là đã góp phần gây ra vụ bạo loạn Đồi Capitol.
Có những lo ngại cho rằng ông Bolsonaro, 67 tuổi, từ chối công nhận kết quả bầu cử, dẫn đến tình trạng hỗn loạn như ở tòa nhà quốc hội Mỹ sau bầu cử tổng thống năm 2020. Trong khi đó, một số đồng minh quan trọng của Bolsonaro đã công khai thừa nhận thất bại của ông, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Arthur Lira.
Giai đoạn chuyển tiếp quyền lực bắt đầu căng thẳng khi những người ủng hộ ông Bolsonaro chặn các đường cao tốc ở ít nhất 11 bang trên khắp đất nước hôm 31/10, đốt lốp xe và đậu xe giữa đường. Người biểu tình mặc trang phục theo màu quốc kỳ Brazil, cầm biểu ngữ ủng hộ ông Bolsonaro và hát quốc ca.
Ông Lula dự kiến nhậm chức vào ngày 1/1 năm sau. Cựu tổng thống 77 tuổi trước đó cam kết sẽ áp dụng trở lại các biện pháp tăng trưởng kinh tế cũng như thúc đẩy những chính sách xã hội đã giúp hàng triệu người Brazil thoát khỏi cảnh đói nghèo trong thời gian ông lãnh đạo đất nước năm 2003 - 2010.
Ông Lula da Silva cũng cam kết chống lại nạn tàn phá rừng nhiệt đới Amazon, hiện ở mức cao nhất trong 15 năm, và đưa Brazil trở thành nước đi đầu trong các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu.
Là lãnh đạo có xuất thân nghèo khó, ông Lula từng tổ chức các cuộc đình công chống lại chính phủ quân sự Brazil vào những năm 1970. Hai nhiệm kỳ tổng thống của ông mang dấu ấn bùng nổ của nền kinh tế hàng hóa và ông cũng rời nhiệm sở với mức độ ủng hộ cao kỷ lục.
Tuy nhiên, đảng Công nhân của ông Lula sau đó suy yếu nghiêm trọng và ông bị cáo buộc nhận hối lộ trong một vụ bê bối tham nhũng lớn. Với nhiệm kỳ thứ ba của mình sắp tới, ông Lula sẽ đương đầu với nền kinh tế trì trệ, các ràng buộc ngân sách khó khăn hơn và một cơ quan lập pháp ít đồng thuận hơn.
Huyền Lê (Theo AFP)