"Tôi luôn thể hiện rõ là không có thay đổi về chính sách. Lúc đó tôi bày tỏ sự bức xúc về mặt đạo đức và sẽ không xin lỗi", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm qua, đề cập tới câu nói gây tranh cãi trong bài phát biểu tại Ba Lan ngày 26/3.
Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ "không thay đổi điều gì" khi được hỏi liệu phát biểu của ông có dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người đồng cấp Nga hay không. "Tôi không quan tâm ông ấy nghĩ gì. Ông ấy vẫn sẽ làm những gì mình muốn", ông Biden nói, đồng thời cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin có thể mất dần sự ủng hộ trong nước nếu duy trì những hành động hiện nay.
Ông chủ Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng gặp Tổng thống Nga, cho biết điều này phụ thuộc vào những gì ông chủ Điện Kremlin muốn đối thoại.
Bài phát biểu của Tổng thống Biden tại Ba Lan cuối tuần trước được coi là cơ hội để Mỹ thể hiện cam kết hỗ trợ đồng minh và đối tác châu Âu, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ hai và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phần lớn nội dung diễn văn được giới quan sát đánh giá là chừng mực và cân bằng, bám sát thông điệp chung của các quan chức Mỹ suốt nhiều tháng qua về tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và tái khẳng định NATO sẽ bảo vệ từng tấc đất của các nước thành viên, cam kết duy trì hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, sự cân bằng đó sụp đổ khi Tổng thống Mỹ kết lại với câu nói đầy tranh cãi. "Lạy Chúa, người đàn ông ấy không thể tiếp tục nắm giữ quyền lực", ông nhấn mạnh.
Một số quan chức Nhà Trắng tiết lộ câu nói này không nằm trong bản thảo ban đầu của bài phát biểu. Giới phân tích cùng truyền thông Mỹ cho rằng đây là thông điệp nhắm vào Tổng thống Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó tuyên bố Tổng thống Mỹ không có quyền ý kiến về lãnh đạo Nga. "Bài phát biểu vừa rồi, đặc biệt là những đoạn về nước Nga, có thể nói một cách lịch sự là không thể tin nổi. Ông ấy dường như không hiểu được rằng thế giới không chỉ có Mỹ và phần lớn châu Âu", Peskov nói.
Các quan chức Mỹ cũng tìm cách dập tắt tranh cãi, khẳng định câu nói của ông Biden không ám chỉ Tổng thống Putin, bác bỏ cáo buộc Washington cổ vũ "thay đổi chế độ" tại Moskva. Ngoại trưởng Antony Blinken nói bài phát biểu nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế không làm ngơ khi Tổng thống Putin "chọn giải pháp quân sự để giải quyết mâu thuẫn với Ukraine hay bất kỳ nước nào khác".
Các nhà quan sát cho rằng cách giới chức Mỹ khẩn trương diễn giải thông điệp của Tổng thống Biden cho thấy họ hiểu rõ phát biểu này tiềm ẩn nhiều hệ lụy chính sách nghiêm trọng, giữa lúc Washington đang nỗ lực xây dựng đoàn kết nội bộ lẫn quốc tế nhằm ứng phó Nga và tìm giải pháp cho xung đột ở Ukraine.
Vũ Anh (Theo Reuters)