"Khoảng hai năm trước, khi tôi đến đây và bày tỏ lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn nước, mọi người nhìn tôi như kiểu tôi mất trí rồi", Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/6 nói với một nhóm nhà tài trợ môi trường ở thành phố Palo Alto, bang California, về tình trạng hạn hán.
"Họ nhìn tôi giống như khi tôi bày tỏ lo lắng về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Mối đe dọa đó là có thật", ông Biden nói thêm.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn hạt nhân chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.
Tổng thống Putin ngày 16/6 thông báo những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển vào lãnh thổ Belarus. Theo ông, vũ khí hạt nhân chiến thuật được bố trí ở Belarus có vai trò răn đe những thế lực toan tính đẩy Nga vào tình cảnh "thất bại chiến lược".
Kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus đã được Tổng thống Putin thông báo từ tháng 3. Lãnh đạo Nga khi đó lập luận rằng thỏa thuận giữa hai nước là động thái hợp lý, vì Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia châu Âu suốt nhiều thập kỷ.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và cường kích Su-25.
Học thuyết hạt nhân của Nga quy định nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công nguyên tử hoặc phải đối mặt với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa "sự tồn vong" của nhà nước Nga.
Ông Biden hôm 17/6 chỉ trích động thái của Nga là "hoàn toàn vô trách nhiệm". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng chỉ trích lãnh đạo Nga và Belarus, nhưng nhấn mạnh không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân và Mỹ cũng không có ý định thay đổi trạng thái hạt nhân.
Huyền Lê (Theo Reuters)