Các đề xuất Lukashenko đưa ra trong cuộc họp với chánh án Tòa án Tối cao tại Minsk ngày 31/8 tập trung vào cải cách tòa án. Lukashenko nói rằng các chuyên gia đang thảo luận về những thay đổi, bao gồm thiết lập tòa án độc lập hơn, nhưng ông cho rằng điều này là không cần thiết. "Tôi sẵn sàng khẳng định với bất kỳ ai rằng tòa án Belarus là độc lập nhất".
Tuy nhiên, ông đánh giá hệ thống cần hoạt động "mà không bị ràng buộc với một cá nhân nào", kể cả chính ông. Tổng thống cho rằng công chúng có thể "đưa ra ý kiến của họ: những gì họ thích, những gì họ không", trong khi nhấn mạnh "những người la hét đòi thay đổi" là thiểu số.
Ông Lukashenko được bầu làm tổng thống năm 1994. Ông tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về sử đổi hiến pháp vào năm 1996, trao cho tổng thống quyền hạn lớn hơn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán, gồm cả chánh án Tòa án Hiến pháp.
Thêm một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp được tổ chức vào năm 2004, cho phép tổng thống giữ chức ba nhiệm kỳ thay vì hai nhiệm kỳ như trước đây. Ông Lukashenko nói rằng việc quay trở lại hiến pháp năm 1994 theo ý muốn của phe đối lập sẽ không đưa đất nước tiến lên.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Belarus sau khi ông Lukashenko, 65 tuổi, hồi đầu tháng tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Những người phản đối Lukashenko tái đắc cử đã tổ chức đình công và biểu tình trong thời gian qua, yêu cầu ông từ chức. Hàng chục nghìn người biểu tình hôm 30/8 tập trung tại trung tâm thủ đô Minsk để gây áp lực. Bộ Nội vụ Belarus cho biết ít nhất 140 người đã bị bắt vì các hành vi bạo lực.
Tổng thống Lukashenko bác bỏ ý tưởng tổ chức bầu cử lại cũng như những lời kêu gọi từ chức, đồng thời cáo buộc phe đối lập âm mưu giành chính quyền. Ông tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các tầng lớp lao động, sinh viên và các thành viên "hiểu lý lẽ" của phe đối lập, nhưng nói rằng điều đó sẽ không xảy ra dưới áp lực của các cuộc biểu tình.
Nga, đồng minh thân thiết của Belarus, liên tục cảnh báo phương Tây rằng hành động can thiệp vào công việc nội bộ hoặc gây áp lực với các lãnh đạo Belarus là "không thể chấp nhận được". Nga cũng ủng hộ Belarus sửa đổi hiến pháp.
Phương Vũ (Theo AFP)