"Không có lính đánh thuê nào ở đây. Chúng tôi có đội quân 100.000 người. Tôi yêu cầu phía Pháp xin lỗi và thể hiện trách nhiệm", Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nói trong cuộc phỏng vấn hôm 4/10.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước nói "những tay súng thuộc các nhóm phiến quân Syria đã quá cảnh tại Thổ Nhĩ Kỳ để tới chiến đấu ở Nagorno-Karabakh", nơi xảy ra xung đột quân sự giữa Armenia và Azerbaijan. Lãnh đạo Pháp cảnh báo đây là "diễn biến mới rất nghiêm trọng", cho biết đã đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump về trao đổi thông tin tình hình giao tranh.
Armenia cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa lính đánh thuê đến hỗ trợ đồng minh Azerbaijan trong xung đột tại Nagorno-Karabakh. Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại London cho biết Ankara tuyển mộ ít nhất 300 tay súng từ Syria.
Giới chức Azerbaijan bác bỏ thông tin sử dụng lính đánh thuê nước ngoài và khẳng định quân đội nước này đủ sức "giải phóng các vùng đất bị chiếm đóng". Ankara cam kết hỗ trợ Baku bằng mọi biện pháp, song phủ nhận trực tiếp tham gia xung đột quanh khu vực Nagorno-Karabakh.
Xung đột quanh khu vực Nagorno-Karabakh bùng phát từ năm 1988, leo thang thành chiến tranh toàn diện năm 1992-1994 khiến hơn 40.000 binh sĩ và dân thường của cả hai phía thiệt mạng. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát hôm 27/9 được đánh giá là dữ dội nhất trong nhiều năm trở lại. GIới chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát chiến tranh toàn diện, khi các bên tham chiến đều tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nagorno-Karabakh là một tỉnh ở phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân địa phương là người Armenia luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Vũ Anh (Theo RT)