![]() |
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Ảnh: AP. |
Ông Mubarak cũng gọi những đoạn phim không chính thức quay cảnh hành quyết đang phát tán là man rợ và gây ra sự ghê tởm. Khung ảnh hỗn loạn trong vụ treo cổ và tử tù Saddam Hussein bị chửi bới thậm tệ trước khi chết cũng đã bị lên án trên khắp thế giới.
"Nhiều người bị hành quyết trên khắp thế giới, nhưng những gì xảy ra tại Baghdad vào ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha là không thể tưởng tượng nổi. Tôi đã không tin là nó xảy ra. Điều gì làm cho họ phải vội vàng đến vậy? Tại sao lại treo cổ ông ấy trong khi mọi người đang đọc lời cầu nguyện chứ?", nhà lãnh đạo Ai Cập bức xúc.
Ông Mubarak bày tỏ thêm: "Tôi sẽ không nói đến chuyện Saddam có xứng đáng bị lĩnh án tử hình hay không. Tôi cũng sẽ không đề cập đến câu hỏi liệu tòa án xét xử ông ấy có hợp pháp trong bối cảnh đất nước bị chiếm đóng hay không".
Tổng thống Ai Cập cũng tiết lộ rằng, ông từng hối thúc Tổng thống Mỹ George Bush tác động để vụ hành quyết Saddam không diễn ra trong lễ Eid al-Adha, một sự kiện quan trọng của người Hồi giáo đánh dấu kết thúc cuộc hành hương Hajj, nhưng bất thành.
![]() |
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak (trái), Saddam Hussein (giữa) và Chủ tịch Palestine Yasser Arafat chụp ảnh chung năm 1988. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, giới chức Mỹ gồm cả Tổng thống George Bush đều tránh bình luận về cách thức người Iraq hành quyết cựu tổng thống của họ. Washington chỉ nhấn mạnh rằng công lý đã được thực thi tại Iraq.
Ai Cập là một đồng minh quan trọng trong khu vực của Mỹ và là một trong hai quốc gia trong thế giới Ảrập ký hiệp ước hòa bình với Israel. Mối quan hệ giữa Ai Cập và Iraq vốn thân thiện cho đến khi Baghdad tấn công Kuwait năm 1990. Khi đó Ai Cập đã tham gia lực lượng liên quân đánh bật quân đội Iraq ra khỏi Kuwait.
Sau đó, Tổng thống Hosni Mubarak cũng chính là người ra sức khuyên can Mỹ không phát động tấn công Iraq năm 2003, sự kiện dẫn tới việc chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ một cách chóng vánh.
Bình luận nói trên của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak về vụ treo cổ Saddam Hussein được đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo bán chạy nhất Israel Yediot Ahronot. Bài phỏng vấn quan trọng này sau đó cũng được hãng thông tấn chính thức của Ai Cập đăng lại.
Đình Chính (theo BBC)