Cuộc Đối thoại phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng giữa Việt Nam và các nhà đầu tư sáng nay thu hút sự quan tâm đặc biệt, trong bối cảnh Ủy ban Kiểm tra Trung ương lần đầu ra quyết định thu hồi nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Nhận nhiều câu hỏi về sự việc trên bên lề cuộc họp, Tổng thanh tra Chính phủ đương nhiệm Huỳnh Phong Tranh cho rằng, ông Truyền là cán bộ thuộc diện Ban bí thư quản lý. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận và thông báo. Việc thu hồi tài sản của ông Truyền đã được các cơ quan chức năng kịp thời thực hiện. "Chúng tôi tin tưởng việc này được thực hiện nghiêm túc và có kết quả tốt", ông Tranh nói.
"Ông Truyền có tham nhũng hay không đều từ kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Chúng tôi không nói được gì khác ngoài việc nguyên tổng thanh tra Chính phủ có dấu hiệu vi phạm về tài sản, chế độ chính sách của Nhà nước", vị Tổng Thanh tra chính phủ cho biết thêm.
Việc xử lý, kiểm điểm cá nhân, theo ông Huỳnh Phong Tranh, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã giao Tỉnh ủy Bến Tre tiến hành theo các quy định của Đảng, Nhà nước. "Là cơ quan cũ của nguyên Tổng thanh tra, chúng tôi sẽ theo dõi để thông tin kịp thời và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương", ông Tranh khẳng định.
"Ở Việt Nam có nói rằng, "đánh chuột đừng để vỡ bình". Tôi tin là Việt Nam tìm được cách để đánh chuột mà không vỡ bình. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới đã cho tôi thấy, nếu cứ để chuột có cơ hội lớn lên, nó sẽ làm vỡ bình. Cho nên, Việt Nam cũng cần có những con mèo để diệt chuột, hoặc ít ra phải có thuốc chuột, có bẫy chuột...Dù cách nào đi nữa mục đích chính vẫn phải bắt được chuột, nếu không chuột sẽ đuổi chủ ra khỏi nhà" - Ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. |
Cuộc Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13 giữa Việt Nam với các nhà tài trợ khai mạc sáng 26/11, đề cập hai nội dung chính là vai trò của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Đánh giá việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt yêu cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn chứng tỷ lệ thu hồi trong các vụ án tham nhũng chỉ đạt 22,3%. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã được thành lập.
Phó Thủ tướng kỳ vọng, các đại biểu trong nước và quốc tế sẽ tập trung phân tích nguyên nhân tham nhũng, nêu những điểm sáng quốc tế làm bài học cho Việt Nam; giúp thực hiện tốt hơn nữa Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.
Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhận xét, dù nỗ lực nhưng công tác phòng chống và thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam còn nhiều thách thức, phức tạp.
Phân tích nguyên nhân, người đứng đầu Bộ Tư pháp cho rằng "do chúng ta không phát hiện, truy tìm được tài sản đã bị tội phạm chyển hóa dưới nhiều hình thức như chuyển quyền sở hữu, thông qua hoạt động rửa tiền, mua sắm tài sản, phương tiện có giá trị, thậm chí chuyển tiền ra nước ngoài".
Các ý kiến đối thoại cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do một số vụ án kéo dài, tài sản bị tẩu tán. Thứ hai, khâu giám định mất thời gian dẫn đến tài sản bị hư hao, mất mát. Thứ ba, chế tài chưa mạnh nên việc thu hồi tài sản chưa hiệu quả.
Năm 2014, cơ quan tố tụng phát hiện và khởi tố mới 256 vụ/593 bị can, hoàn thành xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng, đã kết tội 673 tội phạm tham nhũng. Có 415 vụ án tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, thu hồi nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng (đạt 22,3%). Một số vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thời gian qua liên quan các nhân vật như: Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, Công ty cho thuê tài chính II, Huỳnh Thị Huyền Như... |
Bá Đô