Sáng 14/6, tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện 3 bên là Tổng liên đoàn Lao động, Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI) và Bộ Lao động Thương binh Xã hội, đã đưa ra các mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 với độ chênh lệch lớn.
Theo đó, Tổng liên đoàn Lao động đề xuất 2 phương án: Một là tăng bình quân 8,18% (tăng từ 180.000 đồng đến 380.000 đồng); hai là tăng bình quân 7,06% (tăng từ 160.000 đồng đến 330.000 đồng). Đề xuất này căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước, với dự kiến GDP tăng khoảng 7%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4% và năng suất lao động tăng khoảng 5%.
Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động) cho rằng, nếu không đạt được kỳ vọng tăng lương cho người lao động như đề xuất của tổ chức công đoàn thì đời sống của họ sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động, đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2020 chỉ khoảng 2% bình quân cho các vùng.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI nói, về cơ bản các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Cụ thể 72% doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng trên 6%; 2% doanh nghiệp tăng 5,9%.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đây là cuộc họp để đại diện các bên nêu quan điểm, trình bày phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Sau đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp thêm 1-2 phiên nữa để các bên trao đổi, dự kiến tháng 7 sẽ quyết định được mức lương tối thiểu vùng 2020 để trình Chính phủ.
Hiện nay mức lương tối thiểu vùng I là 4.180.000 đồng/tháng; vùng II là 3.710.000 đồng/tháng; vùng III là 3.250.000 đồng/tháng và vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng. Đây là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.