Chiều 3/2, ông Nguyễn Đình Khang thông tin qua báo cáo của các cấp công đoàn, đã có hàng trăm nghìn công nhân ở lại không về quê, nhất là khu vực phía nam. "Công nhân dù nhiều năm không được sum vầy bên gia đình đã tự nguyện ở lại để tránh dịch", ông Khang nói và đánh giá đó là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng đáng hoan nghênh của công nhân lao động.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến cáo công nhân hợp tác khai báo y tế, giúp lực lượng chức năng truy vết, xử lý kịp thời các ca nghi nhiễm; đồng thời yêu cầu các cấp công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà trực tiếp cho công nhân trong doanh nghiệp, khu nhà trọ, thay vì tổ chức các sự kiện bề nổi, tập trung đông người.
Tông Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến tổng mức hỗ trợ dịp Tết khoảng 500 tỷ đồng, chủ yếu giúp công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, trung bình một triệu đồng mỗi người.
Tác động của Covid-19 khiến thu nhập của người lao động năm 2020 bình quân đạt 6,7 triệu đồng, giảm 8,6% so với năm trước. Khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng sâu như thất nghiệp, giảm thu nhập, giảm giờ làm.
Theo thống kê của Công đoàn Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP HCM, hơn 193.000 công nhân quê miền Bắc, miền Trung đang làm việc trên địa bàn sẽ không về quê ăn Tết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Số lượng gia tăng 20% trong khi hàng năm khoảng 50%.
Sau 8 ngày bùng phát tính từ sáng 28/1, làn sóng Covid-19 thứ ba đã lan ra 10 tỉnh thành, ghi nhận 366 ca lây nhiễm cộng đồng. 6 địa phương gồm Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã ra quy định cách ly người từ vùng dịch về ăn Tết.
Hoàng Phương