"Việt Nam đã mang đến cho Mỹ một đối tác ổn định, thịnh vượng và độc lập ở khu vực Đông Nam Á, đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế, hỗ trợ luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như các quy tắc của hệ thống thương mại thế giới. Tất cả những điều đó đều đóng góp cho an ninh Mỹ", bà Marie Damour cho biết tại buổi tọa đàm ngày 23/7 nhân dịp Việt - Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
Nói về sự ổn định, bà Damour cho rằng Việt Nam có lẽ là quốc gia thành công nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Toàn xã hội Việt Nam đã tham gia phòng chống dịch bệnh, điều bà mong mỏi được thấy ở quê nhà.
Bà cũng đánh giá Việt Nam đã đạt được sự phát triển và các thành tựu kinh tế bằng "tốc độ ánh sáng" kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, mở cửa kinh tế vào năm 1986.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào 11/7/1995, 20 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Việt Nam và Mỹ hiện là đối tác toàn diện, hợp tác trên một loạt lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, quốc phòng. Thương mại song phương tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.
Trong bối cảnh Mỹ bầu cử tổng thống vào tháng 11, Tổng lãnh sự Damour khẳng định "có sự ủng hộ chính trị rộng khắp ở Mỹ cho mối quan hệ với Việt Nam."
"Các ưu tiên mà chúng tôi đã xây dựng với Việt Nam được hỗ trợ rộng rãi bất kể nghị sĩ của chúng tôi đến từ đảng Dân chủ hay Cộng hòa", bà nói. "Tôi thực sự không thấy thay đổi đáng kể nào cho mối quan hệ dù cho ai sẽ ngồi ở Nhà Trắng".
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, cũng cho rằng mối quan hệ giữa hai nước đang ở trên một nền tảng vững chắc.
"Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đang đi theo một hướng rất khó thay đổi... sẽ không phụ thuộc vào quyết định của bất kỳ cá nhân nào", Tiến sĩ Trung nói.