Truyền thông Ấn Độ tháng trước đưa tin Tổng lãnh sự Afghanistan Zakia Wardak bị chặn tại sân bay Mumbai sau khi cùng con trai đáp chuyến bay từ Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và bị phát hiện mang theo 25 kg vàng.
Bà Wardak không bị bắt vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, song số vàng trị giá gần hai triệu USD đã bị tịch thu.
Bà Wardak hôm nay thông báo từ chức. "Tôi vô cùng lấy làm tiếc khi thông báo quyết định rút khỏi chức vụ tại lãnh sự quán và đại sứ quán ở Ấn Độ, có hiệu lực từ ngày 5/5", bà đăng trên mạng xã hội X.
Bà Wardak cho biết đã nhiều lần bị công kích cá nhân và phỉ báng trong năm qua. "Những sự việc như vậy chứng tỏ thách thức mà phụ nữ trong xã hội Afghanistan phải đối mặt", bà cho hay, song không đề cập thông tin bị bắt quả tang buôn lậu vàng.
Đại sứ quán Afghanistan ở thủ đô New Delhi đóng cửa tháng 11/2023, hơn hai năm sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul, và bà Wardak là đại diện ngoại giao cao nhất còn lại của Afghanistan ở Ấn Độ. Việc bà từ chức khiến hàng nghìn công dân Afghanistan, trong đó có sinh viên và doanh nhân, hiện không có bất kỳ dịch vụ lãnh sự nào ở Ấn Độ.
Hầu hết các quốc gia, trong đó có Ấn Độ, không công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan. Do vậy, nhiều nhà ngoại giao Afghanistan do chính quyền cũ bổ nhiệm ở một số quốc gia vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và từ chối chuyển giao quyền kiểm soát các đại sứ quán cho đại diện chính quyền Taliban.
Chính quyền Taliban hiện mới kiểm soát khoảng chục đại sứ quán Afghanistan ở nước ngoài, trong đó có Pakistan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Cơ sở ngoại giao tại các nước khác hoạt động theo kiểu đại sứ ra đi nhưng nhân viên sứ quán vẫn thực hiện công việc lãnh sự thông thường như cấp thị thực và các loại giấy tờ khác.
Hầu hết các quốc gia sơ tán cơ quan đại diện khỏi Kabul khi Taliban tiến vào thủ đô Afghanistan tháng 8/2021. Tuy nhiên, đại sứ quán một số nước tại Kabul như Nga, Trung Quốc và Pakistan vẫn duy trì hoạt động.
Huyền Lê (Theo AFP)