Ngày 1/3, Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công, phạm vi gồm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị như: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (gồm cả quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp); ôtô; tài sản cố định đặc thù; tài sản cố định khác.
Tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý (không bao gồm tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nguyên vật liệu), gồm: Hạ tầng giao thông; hạ tầng cấp nước sạch; hạ tầng thủy lợi; chợ; cụm công nghiệp, khu công nghiệp; khu kinh tế; khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; đê điều; cảng cá; không gian xây dựng ngầm đô thị...
Đối tượng kiểm kê gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác được thành lập theo quy định về hội đang quản lý, sử dụng tài sản công.
Với tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, đối tượng kiểm kê gồm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác đang quản lý tài sản.
Mục tiêu của đề án nhằm nắm được thực trạng của tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng... làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Việc này cũng nhằm phục vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về tiến độ, ngày 1/1/2025 các cơ quan bắt đầu tổng kiểm kê; ngày 31/3/2025 hoàn thành và ngày 1/7/2025 tổng hợp xong kết quả, xây dựng báo cáo tổng hợp.
Việt An