Thế giới đã ghi nhận 184.856.671 ca nhiễm nCoV và 3.998.655 ca tử vong, tăng lần lượt 281.074 và 4.401, trong khi 167.424.532 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Nga là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với 5.635.294 ca nhiễm và 138.579 ca tử vong, tăng lần lượt 24.353 và 654 trường hợp so với một ngày trước đó.
Tổng giám mục Hilarion Alfeyev, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ Tòa Thượng phụ Moskva, hôm 5/7 kêu gọi giáo dân đi tiêm chủng và chỉ trích người từ chối tiêm vaccine Covid-19 là "những kẻ tội đồ".
"Những người từ chối tiêm vaccine đang phạm tội lỗi sẽ đeo bám họ suốt đời. Tôi thấy mỗi ngày có nhiều người đến nhà thờ xưng tội rằng họ đã từ chối tiêm vaccine cho mình và người thân, vô tình dẫn đến cái chết của người khác. Tội của họ là chỉ nghĩ về bản thân mình và không nghĩ tới ai khác", ông nói.
Nga đang phải vật lộn đối phó sự gia tăng ca nhiễm do biến chủng Delta và tỷ lệ tiêm chủng thấp vì người dân chần chừ tiêm vaccine. Điện Kremlin đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho 60% dân số Nga vào tháng 9, nhưng thừa nhận họ sẽ không thể đạt được mốc đó, dù đã có sẵn vaccine miễn phí từ đầu tháng 12/2020.
Chính phủ Nga bác bỏ khả năng phong tỏa toàn quốc để đối phó dịch bệnh. Tổng thống Vladimir Putin cũng kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19 và "nghe lời giới chuyên gia" thay vì những lời đồn đại.
Moskva trở thành thành phố đầu tiên tại Nga áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc. Chính quyền thành phố cho biết ít nhất 60% nhân lực trong ngành dịch vụ sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào giữa tháng 8. Một số vùng của Nga có động thái tương tự, yêu cầu một số nhóm công dân nhất định phải tiêm một trong những loại vaccine được sản xuất trong nước.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.596.661 ca nhiễm và 621.315 ca tử vong do nCoV, tăng 3.292 ca nhiễm và 18 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Trong phát biểu mừng quốc khánh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Covid-19 chưa bị đánh bại hoàn toàn dù nước Mỹ đã đạt được tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống dịch, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện bổn phận để chấm dứt đại dịch.
Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Biden đề ra là 70% người trưởng thành tiêm ít nhất một mũi vaccine trước ngày 4/7. Con số đạt được là 67%, do một bộ phận người dân bài xích hoặc e ngại vaccine. Giới chức y tế lo ngại biến chủng Delta nguy hiểm hơn sẽ gây ra một làn sóng khác.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 30.618.939 ca nhiễm và 403.310 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 34.067 và 552 ca.
Sau khoảng thời gian đầy căng thẳng do làn sóng Covid-19 thứ hai, số ca nhiễm nCoV hàng ngày tại Ấn Độ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc nhiều biện pháp hạn chế được gỡ bỏ làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát mới trong những tháng tới.
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng Covid-19 cho toàn bộ 1,1 tỷ người trưởng thành tại đất nước trong năm nay. Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine thiếu hụt, thủ tục hành chính phức tạp và tâm lý ngần ngại của người dân, tới nay mới chỉ có khoảng 5% dân số trưởng thành Ấn Đố được tiêm đầy đủ.
Hôm 21/6, chính phủ nỗ lực tạo cú hích cho chiến dịch tiêm chủng bằng cách tuyên bố miễn phí vaccine cho toàn bộ dân số trưởng thành, giúp số liều được tiêm hàng ngày tăng vọt lên 9 triệu. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng lại đang chững lại, với trung bình chỉ hơn 4 triệu liều được tiêm mỗi ngày trong tuần qua.
Anh báo cáo 4.930.534 ca nhiễm và 128.231 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 27.334 và 9ca trong 24 giờ qua.
Bất chấp ca nhiễm mới Covid-19 đang tăng mạnh trở lại, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson vẫn lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch theo đúng kế hoạch vào ngày 19/7. Theo giới chức Anh, nước này có thể chứng kiến các ca nhiễm tiếp tục tăng khi nới lỏng hạn chế Covid-19, song chiến dịch tiêm chủng đã khiến số người bệnh phải nhập viện hay tử vong giảm mạnh.
"Nhờ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, chúng ta đang tiến triển một cách thận trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Khi chúng ta bắt đầu học cách chung sống với nCoV, tất cả chúng ta vẫn phải cẩn trọng các rủi ro lây nhiễm", Thủ tướng Johnson ra tuyên bố.
Tính tới ngày 4/7, Anh đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 86% người trưởng thành, trong đó 64% được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.313.829 ca nhiễm, tăng 29.745, trong đó 61.140 người chết, tăng 558.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đang đối đầu với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á. Biến thể Delta từ Ấn Độ đang lan rộng ở Indonesia và khiến các bệnh viện quá tải. Indonesia dự kiến nhận vaccine do nước ngoài tài trợ để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, trong bối cảnh nước này mới chỉ đạt 7,6% mục tiêu tiêm cho 181,5 triệu người đến tháng 1/2022.
Chính quyền Indonesia đã áp thêm các lệnh hạn chế mới ở đảo Java và Bali, gồm tăng cường điểm kiểm soát đi lại, cấm ăn uống tại nhà hàng và hoạt động thể thao ngoài trời, đồng thời đóng cửa nơi làm việc không thiết yếu. Biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực tới 20/7 và có thể được gia hạn để đưa số ca nhiễm mới hàng ngày xuống dưới 10.000.
Tuy nhiên, giới chức Indonesia cảnh báo số ca nhiễm mới có thể tiếp tục tăng trong hai tuần tới, trước khi các biện pháp phát huy tác dụng.
Vũ Anh (Theo Reuters)