Ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc điều hành của Công ty Asian Coast Development Limited (ACDL), chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào giữa tháng 5 đã gửi đơn kiện lên một tòa án tại New York (Mỹ) với lý do ông bị ACDL rút hết quyền điều hành từ hồi tháng 4.
Những “bị đơn” của ông Lloy Nathan chính là Chủ tịch Công ty ACDL (ông Robert Wolfe) và lãnh đạo của hai công ty đã đầu tư vốn vào Dự án Hồ Tràm Strip. Đó là ông Philip Falcone (Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới Harbinger Capital Partner) và ông Anthony Sanfilippo (Tổng giám đốc Điều hành Công ty Chuyên đầu tư và quản lý casino nổi tiếng tại Las Vegas, Pinnacle Entertainment Inc.).
Theo “nguyên đơn”, ba ông Robert Wolfe, Philip Falcone và Anthony Sanfilippo đã lấy lại hết quyền điều hành của ông Nathan tại ACDL mà không đưa ra lý do giải thích. Một số tờ báo nước ngoài cho hay, ông Nathan đã có ý định xin thôi việc tại ACDL từ tháng 10/2012, đúng vào thời điểm ACDL xin Chính phủ Việt Nam điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm cả việc cho phép Hồ Tràm Strip đưa hạng mục casino vào hoạt động trước thời hạn so với giấy chứng nhận đầu tư trước đây.
Vào thời điểm ấy, cả phía ACDL và phía các nhà đầu tư vào dự án đều thuyết phục ông Nathan ở lại. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau khi ACDL chính thức được nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh (trong tháng 4/2013) đã rút hết quyền điều hành của ông.
Bị rút hết quyền điều hành mà không có lý do chính đáng, nên ông Nathan cho rằng, những người lãnh đạo cấp cao của ACDL chỉ thuyết phục ông ở lại công ty đủ lâu để “tận dụng năng lực của ông” nhằm lấy được giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh và “tránh sự thay đổi ở cấp quản lý, điều có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình xin giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh”.
Dự án Hồ Tràm Strip, với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, mới hoàn thành một nửa giai đoạn I, bao gồm 541 phòng, 9 nhà hàng, các khu trò chơi có thưởng, hội nghị, spa, bể bơi… đang chuẩn bị đi vào hoạt động, nhưng dự án đã lắm chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Đầu tiên là việc lên kế hoạch đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, song chưa thể thành hiện thực, vì lý do chưa xin được giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Tiếp đó là việc MGM Hospitality thông báo rút khỏi dự án vào đầu tháng 3 vừa qua. Giờ đây là vụ kiện lên tận tòa án Mỹ. Chưa biết kết quả vụ kiện ra sao, nhưng một hiện thực rõ ràng là cho tới thời điểm này, Hồ Tràm Strip vẫn chưa hoạt động, mặc dù kế hoạch ban đầu là đầu năm 2013. Hơn 2 tháng đã qua, kể từ khi Hồ Tràm Strip nhận chứng nhận đầu tư điều chỉnh, mà ở thời điểm ấy, ông Lloyd Nathan đã tuyên bố rằng: đó là một ngày trọng đại với dự án.
Hồ Tràm Strip lẽ ra chỉ được kinh doanh hạng mục khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài (gọi tắt là casino), với 90 bàn chia bài và 1.000 máy trò chơi điện tử, khi toàn bộ khu A của dự án hoàn thành (dự kiến vào năm 2015). 90 bàn chia bài và 1.000 máy trò chơi điện tử còn lại sẽ được đưa vào kinh doanh khi khu B của dự án hoàn thành. Tuy nhiên, đầu tháng 4 năm nay, ACDL đã có được quyền kinh doanh casino, ngay cả khi khu A mới chỉ hoàn thành được phân nửa hạng mục, với tổng vốn đầu tư giải ngân 500 triệu USD trong tổng số 4,2 tỷ USD vốn đăng ký toàn dự án.
Sau khi Hồ Tràm Strip nhận được chứng nhận đầu tư điều chỉnh, ACDL cũng đã thông báo sớm đưa dự án đi vào hoạt động, đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư thay thế MGM. Nhưng cho tới thời điểm này, không những chưa có công bố chính thức nào liên quan đến nhà quản lý mới của khu A Hồ Tràm Strip, mà ngay cả kế hoạch đi vào hoạt động cũng chưa được xác nhận. ACDL cũng chưa đưa ra thông báo chính thức nào liên quan đến vụ kiện của ông Lloy Nathan.
Vào thời điểm MGM thông báo rút khỏi Hồ Tràm Strip, nhiều đồn đoán cho rằng, đó chỉ là “chiêu” hòng gây sức ép lên các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc xin quyền kinh doanh casino sớm 2 năm so với giấy chứng nhận đầu tư cũ. Song ngày 18/4, khi MGM tuyên bố đóng cửa trang facebook chính thức của MGM Grand Ho Tram Beach, dư luận hiểu rằng, chuyện MGM rút khỏi dự án này là sự thực.
Theo Đầu tư