Sau khi Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn hải sản ở 4 tỉnh miền Trung từ 20 hải lý trở vào bờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn ngư dân không khai thác ở khu vực này, yêu cầu người dân cần ý thức chấp hành. Nhà chức trách sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng hải sản.
"Người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản khai thác từ 4 tỉnh miền Trung", ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói. Ngư dân chỉ cần khai thác ở vùng cho phép và các địa phương giám sát chặt chẽ thì hải sản từ 4 tỉnh miền Trung sẽ an toàn khi đến tay người tiêu dùng.
Về vấn đề này, tại cuộc họp ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, các đơn vị sẽ giám sát ở các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ. Nếu phát hiện tàu đi không đúng hải trình và khai thác cá tầng đáy trong 20 hải lý, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu đi kiểm nghiệm, đồng thời có biện pháp xử lý với chủ tàu hoặc ngư dân. "Việc phân biệt cá tầng nổi và tầng đáy không khó", ông Tuấn nói.
Bộ Y tế kết luận, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, trích, đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều an toàn để dùng làm thực phẩm.
Các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý (tương đương 25 km) chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy nêu trên trong vòng 20 hải lý.
Về lý do hải sản tầng nổi an toàn hơn, đại diện Tổng cục thủy sản cho hay, hải sản tầng nổi có tập tính di cư từ vùng này sang vùng khác nên không bị ảnh hưởng bởi vùng đáy biển chưa an toàn trong vùng biển 15 km trở vào. Trong khi đó, hải sản tầng đáy ít di cư, chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng đáy biển chưa an toàn.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.