Trưa 18/10, tại Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh), Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng đã nghe báo cáo về việc kiểm tra xả lũ của thủy điện này.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho hay, chiều qua đoàn công tác đã thị sát tại nhà máy, ghi nhận từ ngày 13 đến 14/10, do lũ thấp nên nhà máy vận hành xả nước là "đạt yêu cầu".
Đêm 14/10, mực nước dâng lên đột ngột, giai đoạn đầu mở cửa van là "tuân thủ quy trình". Khi xuất hiện tình huống vai đập có vết xả trượt, nguy cơ đổ xuống, không thể vận hành được điện lưới để mở cửa van xả lũ, lãnh đạo nhà máy quyết định mở van hoàn toàn. "Tình huống này là bất ngờ, song phía thủy điện không thể làm khác", ông Quân nói.
"Việc nhà máy thủy điện Hố Hô mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong chỉ đạo xử lý tình huống công trường tại trận mưa vừa qua là chấp nhận được. Bởi nếu không làm vậy, sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn hồ đập. Trường hợp xảy ra vỡ đập thì hậu quả thật khôn lường", ông Quân nói.
Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Tô Xuân Bảo cho hay, qua kiểm tra đánh giá hạng mục, có thể thấy nhà máy thủy điện Hố Hô đã bố trí mọi phương tiện phòng chống thiên tai, ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị có trách nhiệm.
Ông Bảo chỉ ra một số tồn tại của nhà máy như nguồn điện dự phòng đặt tại vị trí chưa phù hợp, phương án phòng chống lụt bão, tình huống đưa ra chưa tốt, chưa diễn tập, phối hợp nhịp nhàng với địa phương dẫn tới sự lúng túng, bị động.
Ông Đỗ Đức Quân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho rằng thủy điện Hố Hô xả lũ "chấp nhận được". Ảnh: Đức Hùng |
Một đại diện của Bộ Công Thương yêu cầu nhà máy thủy điện Hố Hô phân công trách nhiệm cụ thể từng cá nhân trong việc đảm bảo an toàn hồ đập, đưa ra phương án cụ thể trong từng tình huống cấp bách.
Đáp lại chỉ đạo của Bộ, lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô (Công ty thủy điện Hồ Bốn) cho hay "không có ý kiến gì về các nhận xét". Đơn vị sẽ tiếp thu, khắc phục việc sạt trượt taluy vai phải của đập, nghiên cứu đặt máy diezen phát điện để mở được cửa van trong mọi tình huống. Thời gian tới nhà máy sẽ làm việc với chính quyền địa phương để làm rõ trách nhiệm hai bên trong sự việc này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ những thiệt hại, mất mát bà con gặp phải trong đợt mưa lũ. Dù nguyên nhân thiên nhiên hay con người đều là không mong muốn, "lý do thế nào đi chăng nữa cũng rất đau lòng". Đáng ra mưa lũ, nhà máy thủy điện phải chủ động từ trước, lên phương án cụ thể, đằng này lại để bị động.
"Qua sự việc này, sắp tới Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo rà soát quy trình vận hành các hồ chứa", ông Vượng nói và cho hay sau khi có kết luận chính thức, nếu nhà máy thủy điện Hố Hô sai thì phải yêu cầu họ có trách nhiệm với bà con vùng hạ du trong vùng bị xả lũ.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Hương Khê chiều cùng ngày, sau khi nghe Bộ Công Thương và lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô báo cáo, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê cho rằng, trong việc xả lũ vừa qua, nhà máy thủy điện cảnh báo không rõ ràng. “Vai đập xuất hiện vết xả trượt không liên quan đến an toàn của nhà máy, nó không đến nỗi nguy cấp”, ông Huấn nói.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng xem lại hiệu quả của nhà máy thủy điện Hố Hô. Nếu công trình đa mục tiêu thì người dân được hưởng lợi, còn nhà máy này trước mắt chưa mang lại hiệu quả cho nhân dân”, ông Huấn nói tiếp.
Bí thư Huyện ủy Hương Khê Đinh Hữu Tân cho rằng, quy trình điều tiết lũ của thủy điện là chưa an toàn. Khi lũ chưa về thì phải xả trước, để tới khi lũ về nhanh thì xả vừa phải, sẽ điều tiết được lượng nước.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn chiều 16/10, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã quyết định thành lập Tổ công tác điều tra việc xả lũ tại Nhà máy thủy điện Hố Hô.
Nhà máy Thủy điện Hố Hô vận hành năm 2010, nhưng do bị trận lũ lịch sử năm 2010 tàn phá nên ngừng hoạt động đến đầu năm 2013 mới vận hành trở lại. Nhà máy có công suất 14 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3. Sản lượng điện năm 2013 đạt 35 triệu kWh, năm 2014 đạt 19,7 triệu kWh, năm 2015 dự kiến 25,5 triệu kWh. |
Đức Hùng