Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có 22 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Hai mỏ được cấp phép khai thác đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái vẫn án binh bất động sau gần 10 năm. Ngày 23/11, ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời VnExpress về vấn đề này.
- Là lãnh đạo đơn vị trực tiếp nhận nhiệm vụ khảo sát, đánh giá trữ lượng đất hiếm, nhưng gần 10 năm vẫn chưa khai thác, ông suy nghĩ gì về việc này?
- Điều đầu tiên phải nói là rất đáng tiếc. Không chỉ tôi mà nhiều thế hệ làm địa chất chung cảm giác nuối tiếc khi chúng ta chưa khai thác được đất hiếm sau hơn 10 năm phát hiện đất hiếm dạng hấp phụ ion. Càng nuối tiếc hơn khi trữ lượng đất hiếm ở nước ta thuộc nhóm lớn nhất thế giới mà những lợi ích từ nó mang lại gần như là con số 0.
Theo dõi thị trường đất hiếm trên thế giới có thể thấy gần đây một số quốc gia dùng chiêu bài đất hiếm để thách thức, mặc cả với các nước có nhu cầu cao về nguyên liệu này như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Việc này cho thấy việc chậm triển khai các dự án đất hiếm còn có thể khiến chúng ta không chỉ đánh mất cơ hội về kinh tế mà còn cả về vị thế chính trị.
Một diễn biến mà tôi cập nhật được từ đồng nghiệp địa chất ở Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar là với những điều kiện thuận lợi trong thăm dò, cấp phép, khai thác, những nước này đang đẩy nhanh dự án khai thác, chế biến đất hiếm, đặc biệt là kiểu hấp thụ ion như mỏ Bến Đền của Việt Nam. Điều này càng khiến lo ngại tiềm năng xây dựng vị thế đất hiếm của nước ta sẽ không được tận dụng.
- Có tâm lý "cơm không ăn, gạo vẫn còn đó", tức chưa khai thác đất hiếm thì vẫn còn và để dành cho đời sau. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng, đang có những suy nghĩ như vậy. Nó xuất phát từ cách tiếp cận thông tin, cách nhìn về đất hiếm. Nhiều người luôn nghĩ đó là khoáng sản chứa những kim loại rất hiếm nên để lại cho thế hệ sau. Thực tế những nguyên tố này lại không hiếm như vậy, chúng có mặt khắp nơi trong các thành tạo địa chất khác nhau.
Sở dĩ đất hiếm hiện nay có giá trị cao vì với điều kiện công nghệ và bài toán kinh tế thì người ta chỉ khai thác đất hiếm ở các mỏ lớn, có thể triển khai theo quy mô công nghiệp nên số mỏ như vậy sẽ ít. Tương lai không thể loại trừ có thể khai thác các kim loại đất hiếm ở những vị trí nhỏ hơn dẫn tới nguồn cung lớn hơn và giá trị đất hiếm giảm dần.
Ngoài ra, như tôi đã nói hiện nay nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ASEAN cũng đang đẩy mạnh việc khai thác đất hiếm. Điều này đồng nghĩa nguồn cung sẽ dồi dào hơn, giá thành giảm. Một yếu tố nữa khiến chúng ta không nên chần chừ khai thác đất hiếm là mặc dù chưa tìm ra nguyên liệu thay thế, các nước đi đầu đang đẩy mạnh nghiên cứu vật liệu khác để tránh phụ thuộc vào đất hiếm.
Theo tôi, đất hiếm thực sự hiếm bởi sự tuyển luyện, chiết tách chúng từ quặng đất hiếm ra các kim loại có giá trị phục vụ nhiều ngành kinh tế như chế tạo nam châm, tuabin điện gió, xe điện, xử lý môi trường, quốc phòng, công nghệ cao. Khi đất hiếm đang là xu thế trên thế giới thì chúng ta nên khai thác để có thể chọn đúng điểm rơi.
- Nguyên nhân mấu chốt của việc chưa khai thác được đất hiếm là gì?
- Có nhiều lý do khiến chúng ta chưa khai thác được đất hiếm, nhưng tựu trung lại có thể quy về ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, doanh nghiệp đã có giấy phép thăm dò khai thác nhưng lại không có công nghệ chế biến sâu. Điều này khiến họ loay hoay tìm công nghệ chế biến trong suốt thời gian qua. Đây cũng là rào cản lớn nhất để doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ hai, không khó để thấy doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách thực sự quyết liệt.
Thứ ba là cơ chế, chính sách. Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về chiến lược địa chất, khoáng sản ngày 2/10/2021 có nhắc đến việc duy trì hoạt động khai thác đất hiếm, nhưng mới dừng lại ở tính định hướng mà thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, nhất là việc đầu tư cho nghiên cứu, hợp tác quốc tế phục vụ riêng cho loại khoáng sản đặc biệt này.
- Để gỡ nút thắt công nghệ, chỉ có hai giải pháp, một là trong nước tự nghiên cứu, hai là hợp tác, chuyển giao với nước ngoài. Ông thiên về giải pháp nào?
- Doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu) chỉ chế biến đạt tỷ lệ 40%, trong khi quy định xuất khẩu tối thiểu là 95% và chủ trương của Chính phủ là không được bán đất hiếm dạng thô. Doanh nghiệp đã làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, khai thác và chế biến sâu đất hiếm, tuy nhiên đều thất bại vì đối tác không chứng minh được năng lực công nghệ, hoặc không chuyển giao công nghệ vì đó là bí mật, tài sản riêng của họ, mất rất nhiều công sức, tiền của nghiên cứu.
Xét trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng tốt nhất nên để các tổ chức, cá nhân trong nước chủ động đầu tư nghiên cứu. Nếu chỉ hợp tác khai thác mà không chuyển giao công nghệ chế biến đất hiếm thì khác gì bán khoáng sản thô.
Hiện nước ta có một số đơn vị trong và ngoài nhà nước đã nghiên cứu thành công chế biến sâu ở quy mô phòng thí nghiệm. Để có thể triển khai ở quy mô công nghiệp buộc phải thử nghiệm ở thực địa. Nếu muốn thử nghiệm ở thực địa thì cần có sự cho phép của công ty được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm (chủ mỏ), cơ quan chức năng tỉnh có mỏ rồi mới cấp đất, cấp khoáng sản phục vụ nghiên cứu. Quá trình này tương đối tốn kém và cần nhiều thủ tục hành chính.
Vậy nên viên gạch đầu tiên trong quá trình nghiên cứu phải do cơ quan quản lý đặt bằng cách tạo cơ chế thuận lợi nhất trong việc phối hợp giữa chủ mỏ và cơ quan nghiên cứu, hoặc cho phép cơ quan nghiên cứu được tiến hành những mẫu thử nghiệm trong các kiểu mỏ đất hiếm ở khu vực mà đã có kết quả điều tra bằng nguồn vốn ngân sách.
- Khai thác đất hiếm đồng nghĩa với việc tác động làm ảnh hưởng đến môi trường, có thể giải phóng các nguyên tố phóng xạ. Làm thế nào để giảm thiểu những tác động này?
- Môi trường là vấn đề quan trọng với tất cả quốc gia, khai thác mỏ đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy diệt thảm thực vật, mất nước và xói mòn đất. Các mỏ đất hiếm đi kèm có nguyên tố phóng xạ, khi khai thác, tuyển luyện không xử lý tốt có thể tác động đến con người.
Các mỏ đất hiếm gốc hiện nay thường cộng sinh với khoáng vật đa kim như chì, kẽm, đồng hoặc fluorit. Những chất này khi khai thác cũng sẽ thải nhiều khí độc, chất độc ra môi trường nước. Hay đối với kiểu đất hiếm hấp phụ ion khi chiết tách tại chỗ sẽ phải sử dụng nhiều ure dẫn tới thải các chất như nitơ amoniac và kim loại nặng ra môi trường nước.
Nói như vậy để thấy khai thác đất hiếm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Để có thể giải quyết những vấn đề này, trước tiên chúng ta cần hoàn thiện quy định pháp luật trong quản lý, khai thác đất hiếm để làm tiền đề ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp gây ô nhiễm môi trường. Các chính sách quản lý cần được xây dựng theo hướng siết chặt tiêu chuẩn về môi trường sinh thái.
Còn trong quá trình khai thác, chúng ta có thể áp dụng các quy trình, máy móc xử lý hiện đại của các nước đi đầu như Mỹ, Ausatralia, Hàn Quốc. Tuy nhiên, quy định về môi trường sẽ làm tăng chi phí khai thác và chế biến đất hiếm. Điều này có thể làm tăng giá đất hiếm xuất khẩu, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Chúng ta cần cân đối một cách cẩn trọng giữa hai bài toán trên để đưa ra lựa chọn hài hòa nhất.