Ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Theo phương án được thông qua, hình thức cổ phần hóa Vinalines kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Sau khi cổ phần hóa, Vinalines sẽ có vốn điều lệ hơn 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn Nhà nước hơn 11.946 tỷ.
Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14%; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2%.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và xây dựng phương án, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến người lao động.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phiếu, Vinalines sẽ bán khoảng 280 triệu cổ phiếu trong đợt IPO và 207 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán riêng lẻ. Dự kiến, việc IPO sẽ tiến hành trong tháng 9/2018.
Vinalines đã có một vài cuộc thảo luận sơ bộ với một loạt quỹ đầu tư, các công ty đa quốc gia và các tập đoàn hàng hải lớn từ Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Hyundai Motor đã gửi một bức thư chính thức tới Vinalines mong muốn tham gia vào đợt cổ phần hóa.
Sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình quản trị mới, Vinalines đặt mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Ngoài ra, Vinalines tập trung đầu tư, đưa vào khai thác các cảng nước sâu có vị trí trọng điểm như Tân Vũ, Lạch Huyện ở phía Bắc, nâng cao năng lực các cảng Tiên Sa ở miền Trung, Hiệp Phước, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải ở khu vực phía Nam… Đẩy mạnh dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics.