Doanh thu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) năm 2021 ước đạt 19.604 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, hoàn thành 554% kế hoạch năm (năm 2020 doanh nghiệp này lỗ 145,3 tỷ đồng).
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, sản lượng vận tải biển vẫn ghi nhận 23 triệu tấn, đạt 121% kế hoạch. Sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, khối vận tải biển của Tổng công ty này đã ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2021 (lợi nhuận ước đạt 694 tỷ đồng).
16 cảng biển của VIMC trên toàn quốc đã thực hiện bốc xếp trên 125 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng 13% so với 2020.
Hệ thống cảng của tập đoàn này cũng đã phát triển thêm được 13 tuyến dịch vụ mới của các hãng tàu container. Với việc mở vận tải container bằng đường biển tuyến xa của ngành hàng hải, Việt Nam sẽ chủ động trong vận tải hàng hóa, tránh bị chèn ép tăng giá cước của các hãng tàu ngoại.
Đặc biệt, lĩnh vực khai thác cảng biển vẫn tiếp tục là hoạt động mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất của doanh nghiệp khi chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất (đạt 2.234 tỷ đồng). Trong đó, một số cảng có kết quả nổi bật như Cảng Sài Gòn, Quy Nhơn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh...
Kết quả khả quan, nhưng lãnh đạo VIMC thừa nhận một số tàu của các đơn vị vẫn đang cho thuê hoặc tự khai thác với mức giá cách xa với giá thị trường và thấp hơn đáng kể so với tàu cùng cỡ khác; tốc độ tăng trưởng của một số cảng còn thấp hơn mức tăng trưởng của khu vực; phát triển dịch vụ ngoài bốc xếp, dịch vụ sau cảng còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết sáng 11/1, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang đánh giá, thời gian qua, dịch bệnh mang đến khó khăn nhưng cũng giúp vận tải biển hưởng lợi. Song vấn đề đặt ra đối với vận tải biển không phải dựa vào việc "té nước theo mưa" mà phải tìm cách phát triển bền vững.
Ông Sang nhấn mạnh vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế hàng hải của cả nước, VIMC cần tiếp tục mở đường trong mở rộng thị trường vận tải biển quốc tế, nhất là thị trường vận tải container. Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đặt hàng VIMC nghiên cứu phát triển tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam - Trung Quốc, chung tay tháo gỡ tình trạng ùn tắc đường bộ cửa khẩu cho hàng nông sản Việt Nam.
Về cảng biển, Thứ trưởng Sang đề nghị VIMC cần tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu trong thế chân vạc "cảng biển - vận tải - dịch vụ hàng hải". Trong đó, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến 3, 4 Lạch Huyện, nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, hoàn thiện các bến ở sông Soài Rạp, cảng Sài Gòn... Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu VIMC tập trung nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới để đầu tư, phát triển thêm cảng biển trong 10-30 năm tới.
VIMC từng có nhiều năm thua lỗ, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản do thị trường hàng hải thế giới suy thoái kéo dài, tổng công ty này tiếp nhận nhiều doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ từ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Sau khi tái cơ cấu, 4 năm qua, doanh nghiệp đã bước đầu cân bằng và có lãi, khối cảng biển sau khi cổ phần hóa đã mang lại lợi nhuận hơn 1.000 tỷ mỗi năm, bù đắp cho hoạt động vận tải biển.