Mục tiêu của Đề án cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 22/2 là bảo đảm Vinapaco có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh giấy, bột giấy, trồng và khai thác rừng nguyên liệu giấy; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vai trò nòng cốt trong ngành giấy Việt Nam.
Vốn điều lệ của Vinapaco do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính. Ảnh: PV |
Về phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên hiện có, đề án dự kiến duy trì Công ty mẹ - Vinapaco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 20 đơn vị trực thuộc. Đồng thời, duy trì doanh nghiệp do Công ty mẹ - Vinapaco giữ 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu Giấy miền Nam.Vinapaco cũng nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đối với 9 doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa và nắm giữ dưới 50% tại 4 đơn vị khác.
Tổng công ty Giấy cũng sẽ sáp nhập 4 công ty lâm nghiệp, chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với: Viện Công nghệ Giấy và Xenluylô và Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy. Riêng Trường Cao đẳng Công nghệ giấy và Cơ điện sẽ được chuyển về Bộ Công Thương quản lý.
Về tái cơ cấu tài chính, đến năm 2015, Vinapaco phải thực hiện thoái 100% vốn của Công ty mẹ - Vinapaco tại 9 doanh nghiệp: Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn; Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái; Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Thọ; Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa; Công ty cổ phần Tân Mai Miền Đông; Công ty cổ phần Tân Mai Miền Trung; Công ty cổ phần Tân Mai Tây Nguyên; Công ty cổ phần Tân Mai Lâm Đồng.
Về xử lý tồn tại tài chính, đối với Dự án mở rộng Bãi Bằng giai đoạn II, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết toán và xử lý tài chính của Dự án, báo cáo Bộ Công Thương theo từng nội dung xử lý cụ thể phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đối với Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty lập phương án tái cơ cấu báo cáo Bộ Công Thương giải quyết, trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tổng công ty Giấy Việt Nam được thành lập vào tháng 4 năm 1995. Tại thời điểm thành lập, Vinapaco có 18 đơn vị thành viên; trong đó 15 đơn vị thành viên hạch toán độc lập. Đến 25/6/2010 Thủ tướng ký quyết định chuyển công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu với vốn điều lệ là 1.213 tỷ đồng, với 28 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 10 phòng ban chức năng; 06 đơn vị hạch toán báo sổ; 02 công ty con; 03 đơn vị sự nghiệp và 17 công ty liên kết. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012, Vinapaco cho biết doanh thu đạt gần 3.300 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch; lợi nhuận đạt 45 tỷ đồng, bằng gần 54% kế hoạch; nộp ngân sách khoảng 60% kế hoạch. Vinapaco cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục ứng vốn trả nợ cho Ngân hàng Sài Gòn; đề nghị cho khoanh phần vốn vay, cho phép không tính lãi đối với các khoản vay các ngân hàng trong nước, chưa phải nộp phí bảo lãnh cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động. Đồng thời, công ty đề nghị Chính phủ xem xét cấp ngân sách cho nhà máy 50% vốn lưu động sản xuất và chỉ định ngân hàng cho vây số còn lại để nhà máy có đủ vốn để hoạt động. Đề nghị UBND tỉnh Long An tiếp tục ra soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu giao cho dự án quản lý và sử dụng từ 7000-10.000 ha đất để phát triển và chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy Cuối tháng 12/2012, Vinapaco vừa tổ chức bán đấu giá hơn gần 2,8 triệu cổ phần, tương đương 8,68% vốn điều lệ của Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn, với mức giá khởi điểm là 12.000 đồng. Hai đơn vị tham gia là Công ty TNHH Chứng khoán ACB và đơn vị mà Vinapaco phải thoái vốn là Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
Hàn Phi