Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower, mã cổ phiếu: POW) ngày 25/4, trên 98% cổ đông biểu quyết thông qua bầu 4 thành viên Hội đồng quản trị (trong đó 1 thành viên độc lập) và 4 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Sau đó, Hội đồng quản trị PVPower nhiệm kỳ mới đã họp phiên đầu tiên, bầu ông Hoàng Văn Quang, CEO Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) giữ chức Chủ tịch PVPower thay ông Hồ Công Kỳ. Ông Quang cũng là người đại diện phần vốn Nhà nước của PVN tại tổng công ty này.
Ông Lê Như Linh vẫn giữ vị trí Tổng giám đốc PVPower và là thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Phước được bầu bổ sung là thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Như vậy, ông Hồ Công Kỳ rời ghế Chủ tịch PVPower và chờ Tập đoàn Dầu khí phân công vị trí công tác mới.
Lý do thay đổi loạt nhân sự cấp cao tại PVPower, theo ông Hồ Công Kỳ, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát kéo dài 5 năm và tới thời điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông có 3 người Hội đồng quản trị, 4 người trong Ban kiểm soát hết nhiệm kỳ công tác.
Danh sách các nhân sự thay thế đều do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - doanh nghiệp chiếm 79% vốn tại PVPower, đề cử.
Năm ngoái, PVPower sản xuất 14.197 triệu kWh, thu về 28.790 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.553 tỷ đồng, tăng hơn 340% so với kế hoạch.Đến 31/12/2022, doanh nghiệp này có hơn 9.240 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn và khoản nợ phải trả ngắn hạn lên tới 14.980 tỷ đồng.
Ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PVPower cho biết, phần lớn nợ của doanh nghiệp này là tiền bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên 6.570 tỷ đồng.
Các cổ đông đặt vấn đề "liệu có thu được số nợ trên từ EVN hay không", ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính nói, tình hình tài chính của EVN đang rất khó khăn. Năm ngoái tập đoàn này ghi nhận lỗ hơn 26.200 tỷ đồng do giá nguyên liệu sản xuất (than, khí, dầu) leo thang khiến giá mua điện từ các nhà máy phát điện tăng. EVN tiếp tục ghi nhận lỗ trong quý I năm nay.
"Chúng tôi chia sẻ và cùng họ đề nghị Chính phủ sớm có lộ trình tăng giá điện. Khả năng cao giá điện sẽ được tăng vào tháng 6 năm nay, giúp EVN bớt khó khăn, còn PVPower thu được công nợ", ông nói.
Theo công bố của Bộ Công Thương, giá thành sản xuất điện năm ngoái tăng 9,23% so với giá bán lẻ hiện tại. Tức là trung bình mỗi số điện, EVN đang bán dưới giá thành 168 đồng, nhưng giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh từ tháng 3/2019. Việc EVN thiếu tiền trả các đối tác bán điện cũng được tập đoàn này đề cập trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước hồi đầu năm. Doanh nghiệp này tính toán, nếu giá điện không được tăng trong năm nay thì tới tháng 5 sẽ không còn tiền trong tài khoản, hết tiền trả các đối tác mua điện.
Cũng tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng nay, các cổ đông PVPower đã thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, với sản lượng điện 15.590 triệu kWh; tổng doanh thu 30.332 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.277 tỷ đồng.