Chiều 17/7, Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, cho ý kiến về đề án xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Thanh Hoá có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng của đất nước. Việc Bộ Chính trị lần đầu ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa, có ý nghĩa mở đường cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, trở thành "tỉnh kiểu mẫu".
"Thanh Hóa đất rộng, dân đông, của nhiều, vị trí rất quan trọng "rồng cuộn, hổ ngồi", lại vừa có rừng, có biển, đồng bằng và miền núi... rất nhiều tiềm năng. Con người chịu thương chịu khó, truyền thống cách mạng vẻ vang cũng là một nguồn lực lớn, cần được phát huy", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Thanh Hóa là vùng "địa linh, nhân kiệt", có nhiều thuận lợi phát triển toàn diện cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Nơi đây có đầy đủ 5 năm loại hình giao thông, nằm trên con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam, kết nối đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ, Tây Tây Bắc và Bắc Lào với biển. Tỉnh có khu kinh tế Nghi Sơn với nhiều ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, địa phương có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều di sản văn hóa đặc sắc với hơn 990 năm lịch sử, là điều kiện thuận lợi để kết nối với các địa phương khác và thu hút đầu tư.
Vì vậy, Tổng bí thư mong muốn, khi chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, cần phân tích rõ những điểm trên, nêu cao tinh thần nỗ lực, không cam chịu đói nghèo. Tỉnh cần xây dựng được chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương.
Thanh Hoá cần ưu tiên một số công việc làm trước, có tầm nhìn xa trên cơ sở quy hoạch, chủ động đề xuất cơ chế chính sách để thoát khỏi tình trạng thu nhập thấp, vươn lên làm giàu.