Theo thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, tại cuộc họp, lãnh đạo chủ chốt yêu cầu các cấp, ngành tập trung làm tốt công việc để chuẩn bị chỉ đạo đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội 14 của Đảng.
Các công việc bao gồm: Hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội 14 của Đảng để trình Hội nghị Trung ương 10; rà soát, bổ sung quy hoạch để chuẩn bị cho đề án nhân sự đại hội đảng các cấp; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan chức năng được giao đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Tổ chức đảng khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cơ quan chức năng kết luận.
Thời gian qua, Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 9; Quốc hội tổ chức kỳ họp thứ 7 (đợt 1), hoàn thành nhiều nội dung quan trọng. Công tác cán bộ "đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời", kiện toàn chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Quốc hội khóa 15 nhiệm kỳ 2021-2026 và chức danh Thường trực Ban Bí thư khóa 13.
Trung ương đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; kiện toàn nhân sự các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 14 của Đảng, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ ở Trung ương và một số ban chỉ đạo; kiện toàn, cho chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo một số cơ quan đảng, nhà nước.
Ổn định thị trường, nhất là xăng dầu, hàng hóa thiết yếu
Bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, Việt Nam đang và sẽ đối diện với nhiều khó khăn do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, lãnh đạo chủ chốt yêu cầu các cấp, ngành thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
"Cần có giải pháp ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm", thông cáo nêu.
Bên cạnh đó, các cơ quan phải thực hiện đồng bộ giải pháp để quản lý chặt thị trường vàng gắn với giữ vững tỉ giá, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm đủ điện, nước, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; tăng cường các biện pháp phòng, chống thiên tai, cháy nổ, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, an toàn thực phẩm.