Ngành ngoại giao đã "đi đầu trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày 23/12, là dịp để ngành ngoại giao rút bài học kinh nghiệm, đánh giá và dự báo tình hình quốc tế, cũng như đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá ngành ngoại giao và đối ngoại đã "đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước".
Theo Tổng bí thư, ngành ngoại giao đã củng cố vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Nhấn mạnh tình hình thế giới, khu vực dự báo còn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới, Tổng bí thư đề nghị ngành ngoại giao theo dõi sát diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ những tác động đến Việt Nam, không chủ quan, không để bị động, bất ngờ.
"Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế", Tổng bí thư nói, nhấn mạnh những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại như "dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết hoạt động đối ngoại của Việt Nam những năm qua diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đã thực hiện 45 chuyến thăm ra nước ngoài và đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao, khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".
Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 193 nước, trong đó có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, đồng thời là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, cũng như đã ký 16 hiệp định thương mại tự do.
Vũ Anh