Ngày 27/11, phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói "nhiệm kỳ qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng và xử lý có kết quả nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm". Việc này góp phần quan trọng vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ông nêu rõ, sắp tới cần phải tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực như: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, lĩnh vực y tế, giáo dục...
Các lĩnh vực cũng được đề cập đến là sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là công tác tổ chức và cán bộ.
"Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; bị nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
"Khi đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm; kết luận rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; kỷ luật nghiêm minh và công khai", ông yêu cầu.
Theo Tổng bí thư, một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII là, đội ngũ cán bộ kiểm tra, đặc biệt là các Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương "rất có bản lĩnh", đã tham mưu giúp Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét xử lý kỷ luật thấu tình, đạt lý theo tinh thần "xử lý một vài người để cứu muôn người, rất nhân văn".
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chưa đều; có chuyển biến rõ ở cấp Trung ương, các cấp khác thời gian gần đây tích cực hơn nhưng "chưa thật rõ nét". Công tác kiểm tra, giám sát trong các cơ quan của Nhà nước chưa được coi trọng đúng mức và còn yếu, kết quả chưa rõ.
Đánh giá thực trạng hiện nay, Tổng bí thư cho rằng khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi trong cách vi phạm.
Các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, "lợi ích nhóm", "bệnh thành tích", "tư duy nhiệm kỳ", "lạm quyền", "lộng quyền", vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng còn nghiêm trọng. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng cần được "tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên"; là "thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tăng cường chỉ đạo uỷ ban cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng", "nhẹ trên, nặng dưới" hoặc bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chọn những điểm "nóng", những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội để vào cuộc như: Công tác cán bộ; quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (vụ Formosa Hà Tĩnh); quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ngân hàng BIDV; hoặc như vụ việc Trịnh Xuân Thanh...
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã kiểm tra hơn 264.200 tổ chức đảng và trên 1,2 triệu đảng viên.
Cấp ủy các cấp và chi bộ kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kỷ luật trên 17.600 đảng viên, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao và tướng lĩnh, kể cả đương chức và nghỉ hưu.