Chiều 26/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt 63 đại biểu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu đại diện cho 63 tỉnh, thành cả nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng bí thư nhắc lại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định, công cuộc đổi mới đất nước đạt nhiều thành tựu, quan trọng; kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống nhân dân được nâng lên, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những người làm công tác mặt trận có đóng góp rất quan trọng vào những thành quả này.
Theo Tổng bí thư, lịch sử đã chứng minh, nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc là tính cố kết cộng đồng, tinh thần đại đoàn kết và ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", luôn khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần ấy được kế thừa và phát huy, trở thành động lực, nguồn lực to lớn của đất nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết của gần trăm triệu người dân Việt Nam.
Tổng bí thư dẫn lịch sử, sau khi đất nước thống nhất, các tổ chức mặt trận của hai miền Nam Bắc được hợp nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong hơn 35 năm đổi mới, Mặt trận đã tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; giám sát, phản biện xã hội. Hệ thống tổ chức Mặt trận ở cơ sở đã khích lệ tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân, triển khai các phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên, Tổng bí thư nêu rõ, vẫn còn nhiều vấn đề mà nhân dân quan tâm, dư luận bức xúc như thiên tai, lũ lụt; Covid-19 và một số dịch bệnh mới xuất hiện; mất an toàn về cháy nổ; giao thông; khiếu kiện; tham nhũng, tiêu cực; một số vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng.
Thời gian tới, Tổng bí thư mong muốn những cán bộ Mặt trận cơ sở tiếp tục đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi. Tổng bí thư nhấn mạnh chân lý này đã được Nguyễn Trãi đưa ra cách đây gần 600 năm (năm 1428), nay còn nguyên giá trị: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".
"Muốn đất nước phát triển bền vững cần khoan thư sức dân, phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước", Tổng bí thư nói.
Ông đề nghị cán bộ mặt trận các cấp gắn bó sâu sát hơn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, chính sách về công tác đại đoàn kết dân tộc, các cuộc vận động thi đua yêu nước, ba chương trình mục tiêu quốc gia, cần thực hiện khẩn trương. Người khó khăn, yếu thế cần được hỗ trợ.
Cán bộ mặt trận cần tuyên truyền để người dân nhận thức cụ thể hơn về nghĩa vụ và quyền lợi. Tổng bí thư dẫn chứng, khi tiếp xúc cử tri ông nhận thấy nhắc đến cụm từ "Mặt trận Tổ quốc cấp xã", "Ban công tác Mặt trận" thì người dân thấy quen thuộc, ai cũng biết. Nhưng khi hỏi các tổ chức này có vai trò gì, làm công việc gì, thì nhiều người dân chưa hiểu hết. Vì vậy, muốn dân tin yêu, mỗi cán bộ mặt trận cần gương mẫu, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, không sợ khó, sợ khổ, "bởi những gì chúng ta làm, cống hiến sẽ được người dân ghi nhận".
Có nơi mặt trận cơ sở chưa sử dụng hết quyền trong công tác giám sát, phản biện xã hội, thậm chí có nơi bỏ qua vấn đề cần thiết phải giám sát. Một số nơi có tâm lý nể nang, ngại va chạm khi giám sát cơ quan đảng, chính quyền. Vì vậy, Tổng bí thư đề nghị cán bộ mặt trận dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không nể nang, né tránh, để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, mong đợi của xã hội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cán bộ Mặt trận luôn cầu thị, lắng nghe và tham gia giải quyết phản ánh của người dân; kiên định niềm tin và biết dựa vào dân để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. "Lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu hoạt động, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ", ông nói.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, hội nghị có 299 đại biểu, đại diện cho gần 11.000 Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và hơn 90.000 Trưởng ban Công tác Mặt trận toàn quốc. Các đại biểu có đủ thành phần đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo; người cao tuổi; cựu chiến binh; nông dân; thanh niên; phụ nữ... Nhiều đại biểu có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học.