Ngày 16/11, Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc, cửa ngõ ra biển, bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế.
Thời gian qua, vùng đạt nhiều thành tựu quan trọng, diện mạo có nhiều thay đổi, dần trở thành khu vực phát triển khá năng động, đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế. Một số địa phương vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.
Tuy nhiên, miền Trung vẫn có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn trung bình cả nước. Lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý để trở thành nội lực quan trọng cho phát triển. Các cực trăng trưởng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện vai trò là động lực, đầu tàu dẫn dắt. Khu vực miền núi phía Tây còn khó khăn.
Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá để khai thác tiềm năng của vùng. Theo đó, vùng cần phát triển mạnh về biển theo tinh thần ông cha là "rừng vàng, biển bạc"; nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có và khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, ngành kinh tế biển.
Theo Tổng bí thư, nếu như Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khóa IX trước đây chỉ nêu rất ngắn gọn (21 dòng) về ba quan điểm định hướng chung thì Nghị quyết lần này đã xác định rõ ràng, đầy đủ 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng và mới mẻ. Nghị quyết lần này cũng xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đề ra đầy đủ, đồng bộ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Cụ thể, đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phấn đấu là vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vùng sẽ có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và Lào. Giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được nâng cao.
Mục tiêu đến năm 2045, vùng sẽ phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, với một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm châu Á. Vùng sẽ có các khu kinh tế ven biển hiện đại và hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Để đạt được những mục tiêu trên, Tổng bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, nắm vững những việc cần làm. Mối quan hệ giữa phát triển vùng và cả nước cần được giải quyết tốt theo tinh thần "cả nước vì vùng, vùng vì cả nước". Các cơ quan ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng.
Bên cạnh đó, miền Trung cần khơi dậy truyền thống, tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cả vùng cần quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự ti hoặc tự mãn; quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Theo Tổng bí thư, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng. Chính phủ, các cơ quan Trung ương được giao phối hợp với địa phương xây dựng, ban hành, triển khai cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù cho vùng. Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được xây dựng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nghị quyết cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần có bản lĩnh, chuyên nghiệp, năng lực sáng tạo; khuyến khích, tạo điều kiện và bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức.
"Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành ở trung ương cần khẩn trương ban hành Chương trình hành động và triển khai nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và địa phương", Tổng bí thư nói, nhấn mạnh phải cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, kế hoạch, dự án, nguồn lực, kiên quyết không "đánh trống bỏ dùi", "đầu voi đuôi chuột"...
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); và vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).
Diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm 28,9% của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260 km), và nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm... Dân số của vùng năm 2020 khoảng 20,343 triệu (chiếm 20,8% dân số cả nước) với hơn 50 dân tộc anh em cùng chung sống.
Trong vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên như chiếm 100% trữ lượng Cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến.