Sáng 29/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri hai quận Tây Hồ, Ba Đình.
Trả lời ý kiến cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực này và cho hay, dù các cơ quan chức năng đã "cố gắng làm hiệu quả, bài bản, khiến người bị xử lý tâm phục khẩu phục nhưng vẫn chưa được như mong muốn, so với yêu cầu vẫn còn nhiều việc phải làm".
Không phải kỷ luật nhiều là thành công
"Tôi đã nhiều lần nói đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên quyết và kiên trì, không thể nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ ổn định", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Theo ông, không phải kỷ luật nhiều là thành công, "cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công". Việc điều tra tội phạm tham nhũng cần thu thập chứng cứ rõ ràng, phải có thời gian, không vội, nhưng không vì vậy mà trì hoãn, kéo dài và quyết không thể để chìm xuồng.
Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Tổng bí thư thừa nhận đang là khâu yếu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì tội phạm biết cải tà quy chính, tình nguyện trả lại tài sản sẽ được giảm hình phạt.
Cụ thể, từ đầu năm 2018, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân.
Lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc
Đề cập đến việc vừa qua có ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá công cuộc chống tham nhũng "trên nóng, dưới lạnh", Tổng bí thư cho rằng thực tế hiện dưới đang nóng dần lên, "một số nơi đang làm, phải làm".
"Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm. Muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc", ông nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư, luật pháp là công cụ bảo đảm để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. "Không thể kêu gọi suông, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao cho anh không dám làm, không muốn làm, nhúng tay vào rồi thì phải sửa", ông nói.
Về việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư cho hay "lần này rất muốn thông qua sớm nhưng đây là luật khó, cần phải làm kỹ, tập trung vào những khâu yếu lâu nay để khắc phục".
Trong cuộc tiếp xúc với Tổng bí thư, nhiều người dân cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã được triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo cử tri Phan Văn Nhâm (phường Thuỵ Khuê), kết luận thanh tra một số trường hợp gần đây gây bức xúc cho người dân. Đơn cử, kết luận thanh tra liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái, dù phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến ông này nhưng "chức vụ chỉ bị tụt xuống một chút", không xử lý gì về tài sản.
"Chống tham nhũng nói là không có vùng cấm, nhưng còn vùng nể, vùng tránh không?", ông Nhâm nêu vấn đề và đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, "tiến hành cuộc chiến này liên tục để bảo vệ tài sản quốc gia, bảo vệ chế độ".
Về các dự án lớn vừa được Quốc hội thông qua như giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành, làm đường bộ cao tốc Bắc Nam, cử tri Nhâm cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, quản lý tốt, "nếu không những người làm trực tiếp sẽ đi từ dự án đến toà án rất gần".
Đề cập đến việc hàng loạt lãnh đạo cấp ở Sơn La bị bắt giữ do cáo buộc sai phạm trong thực hiện chính sách di dân dự án thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Hồng Toán (cử tri quận Tây Hồ) nói: "Trong việc này trách nhiệm của Bí thư và Chủ tịch Sơn La như thế nào?".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp tục tiếp xúc cử tri trong chiều nay.