Sáng 15/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Trước nhiều ý kiến quan tâm, lo lắng của cử tri về tình hình biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động và cho biết, tại hội nghị Trung ương 11, ông và Ban chấp hành Trung ương đã dành một ngày nghe báo cáo về vấn đề biển Đông để "có thông tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao".
Ông phân tích, Việt Nam đang xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp trên trường quốc tế. Đơn cử hồi tháng 6, 192/193 nước đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tuy nhiên, mỗi khu vực, địa bàn có sự phức tạp, nhạy cảm riêng, đặc biệt là vấn đề lãnh thổ, biên giới, biển đảo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn giữ hai nguyên tắc là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nhưng kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. "Xử lý mối quan hệ này không đơn giản. Nặng về bên nào đều bị phê phán", ông nói với cử tri.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng khẳng định, dựa trên nguyên tắc "tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc", Việt Nam sẽ "không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ".
Ông cũng kêu gọi cử tri cảnh giác với những quan điểm cực đoan về vấn đề biển Đông, bởi sự kích động sẽ gây chia rẽ giữa lãnh đạo và nhân dân là điều "rất nguy hiểm".
"Thái độ của Đảng rất dứt khoát, kiên quyết, khôn khéo, nhưng có những việc không thể nói công khai. Làm sao để đất nước yên bình nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền mới là giỏi", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và cho rằng đây là vấn đề cần có tầm nhìn chiến lược.
Trước đó, cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (Ba Đình) bày tỏ, tình hình biển Đông đang được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm, lo lắng. Bởi thời gian gần đây, Trung Quốc ngang nghiên đưa tàu khảo sát địa chất và các tàu hộ tống vào hoạt động trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp và dư luận thế giới.
"Nhân dân rất mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội có những quyết sách về vấn đề biển Đông hiện nay và những năm tiếp theo", ông Hảo nói.
Cùng chung nỗi lo này, cử tri Nguyễn Văn Đoàn (quận Ba Đình) cho rằng, vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là "cuộc đấu tranh gian khó, phải sử dụng sức mạnh tổng hợp".
"Bằng chứng lịch sử đã cho chúng ta thấy rõ Việt Nam là nước đã sớm xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa", ông Đoàn nói.
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Việt Nam đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc, khẳng định các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS.