Sáng 21/1, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) đã họp phiên thứ 15 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói "cùng với những thành tựu chung đạt được của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả toàn diện".
Trong đó, riêng năm 2018 cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Tính từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII đến nay đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTX |
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã khắc phục một bước những khâu yếu, có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác thanh tra có bước tiến mạnh; việc cho hưởng án treo; khâu giám định, định giá tài sản được đẩy mạnh; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên. Cụ thể, năm 2018 đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi trên 33.000 tỷ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 30%.
Trong số các bài học kinh nghiệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập đến việc Ban chỉ đạo đã quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt với cách làm khoa học, chặt chẽ, bài bản, phối hợp nhịp nhàng, từng bước chắc chắn, rõ đến đâu xử lý đến đó và công khai.
"Không khoan nhượng với tham nhũng, nhưng cũng rất nhân văn với những người tự giác nhận tội, ăn năn hối lỗi, chủ động khắc phục hậu quả", ông nhấn mạnh.
Về hạn chế, khuyết điểm, ông nói việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc còn chậm; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực ("tham nhũng vặt") vẫn xảy ra ở nhiều nơi gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp...
Trong năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ công tác phòng, chống tham nhũng phải tiếp tục quyết liệt, duy trì được phong trào, xu thế như hiện nay; phấn đấu đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng".
Các cấp có thẩm quyền cũng cần chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nhất là quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương...
"Tập trung chỉ đạo khắc phục các khâu, lĩnh vực còn yếu; thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt", ông yêu cầu.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ/498 bị cáo. Trong đó có 10 đại án lớn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đơn cử như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra ở Phú Thọ và một số địa phương...
Trong năm 2019, các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, truy tố 22 vụ, xét xử sơ thẩm 27 vụ, xét xử phúc thẩm 10 vụ và kết thúc xử lý đối với 43 vụ việc theo kế hoạch của Ban chỉ đạo.