Theo báo cáo tháng 10 của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị trường thép đang nhiều biến động, chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới. Trong quý III, sức mua giảm sút, cạnh tranh gay gắt đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành và các nhà đầu tư. Nhiều đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, kém chất lượng.
Thống kê của VSA cũng cho thấy, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Nếu như năm 2013, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là hơn 1,7 triệu tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 37% và sản xuất trong nước chiếm 63% thì đến năm 2014, con số là gần 1,8 triệu tấn, trong đó tôn mạ nhập khẩu chiếm 43% và sản xuất trong nước giảm còn 57%.
8 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của tôn mạ là 1,73 triệu tấn. Trong đó thị phần của tôn mạ nhập khẩu chiếm 57% và các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ còn chiếm 43%, giảm 20% so với năm 2013.
VSA ước tính, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa của năm nay là 2,59 triệu tấn. Và với thị phần suy giảm 20%, tương đương 519.527 tấn thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ tổn thất 9.351 tỷ đồng (áp dụng mức giá 18 triệu đồng một tấn đối với hàng tôn màu nói chung). Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá rẻ gây nhiễu loạn thị trường.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất tôn thép cỡ lớn và là thành viên của VSA cho hay, sản phẩm nhập từ Trung Quốc chủ yếu là tôn mạ kẽm và mạ màu… để cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. Các sản phẩm này không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém, giá rẻ... gây nhiễu loạn thị trường. Thậm chí, cùng một sản phẩm, cùng thương hiệu, cùng độ dày, mỗi nơi lại có giá bán khác nhau. Ví dụ, tôn mạ màu xanh ngọc, đỏ đậm có độ dày 3 dem rưỡi (đơn vị thể hiện độ dày của tôn, 1 dem = 1/10 mm) chính hãng phân phối tới đại lý cấp một có giá 61.000 đồng (cho khổ 1,07 m) thì giá tại một công ty kinh doanh cùng mặt hàng này lên tới 71.500 đồng, trong khi một nhà máy khác báo giá chỉ 45.500 đồng. Cùng một loại tôn, cùng một độ dày mà giá tôn tại mỗi cơ sở kinh doanh một khác.
Theo ông này, giá tôn thép nhập từ Trung Quốc rẻ, và các sản phẩm này không đồng đều về chất lượng. Hàng kém chất lượng thường nhanh phai màu, gỉ sét, làm xuống cấp và ảnh hưởng tới độ an toàn của công trình. Thực tế, tôn màu, tôn mạ không phải là mặt hàng thiết yếu nên nhiều người tiêu dùng ít kinh nghiệm và gần như không phát hiện sản phẩm chất lượng kém nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.
"Một trong số những cách gian lận phổ biến là "đôn dem" (tức là ăn gian độ dày của tấm tôn). Bằng cách này, cửa hàng có thể biến tôn không tên tuổi nhập khẩu dày 0,28 mm thành 0,35 mm và in thêm tên thương hiệu, nhãn hiệu để ăn chênh lệch. Bên cạnh đó, các sản phẩm tôn thép gian lận có chất lượng sơn phủ rất kém, dễ bong tróc hoặc dễ thay đổi tính chất khi tiếp xúc với môi trường qua thời gian", vị đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Kết quả kiểm tra của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) với các mẫu tôn DVS, của một số nhãn hàng có xuất xứ Trung Quốc mua tại một số cửa hàng ngẫu nhiên ở Đồng Nai, TP Đà Nẵng và Hải Phòng ngày 13/11 cũng cho thấy, 100% mẫu thử đã bị đôn dem để ăn gian độ dày. Khi kiểm tra phản ứng với axit và bazơ (hai chất thử chuyên dụng là axit HCl 10% và NaOH 10%), đa phần mẫu tôn bị phồng rộp bề mặt, đổi màu. Với các sản phẩm tôn thép chất lượng thì hiện tượng này không xảy ra, sản phẩm vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu (bề mặt nhẵn mịn, màu sơn đồng nhất).
Để tối ưu lợi nhuận, một số đơn vị nhập tôn Trung Quốc với giá rẻ về rồi in phun nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước, hoặc sản xuất các mẫu tương tự nhưng phẩm chất kém hơn. Chia sẻ với VnExpress, cựu chuyên viên kỹ thuật của một công ty thép liên doanh tại Việt Nam cho biết: “Hàng Trung Quốc giá rẻ về chất lượng và khả năng chịu lực thì không bằng hàng chính hãng. Tôn, thép sản xuất trong nước theo tiêu chuẩn có thể được bảo hành từ 10 năm đến 20 năm tùy chủng loại, trong khi hàng gian lận chỉ vài năm sử dụng đã có hiện tượng han gỉ, lớp sơn bị bong tróc hoặc phai màu".
Hải Khanh