Ngày 8/6, Quốc hội thảo luận Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ trì soạn thảo, đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.
Nội dung này được đại biểu Trần Việt Anh (chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục) đánh giá là "hết sức tham vọng và không dễ gì đạt được". Hiện cả nước có khoảng 4.000 di tích quốc gia, như đề xuất thì 70% trong số đó được tôn tạo, tương đương 2.800 di tích trong 5 năm tới. Riêng TP Hà Nội có khoảng 1.200 di tích, thì sẽ có 840 di tích được bảo tồn.
"Trong 5 năm, chúng ta bảo tồn, tôn tạo được từng ấy di tích thì khủng khiếp, chưa tính đến nguồn vốn để thực hiện", đại biểu Việt Anh nói.
Theo ông, việc tu bổ di tích đòi hỏi nhiều công đoạn từ lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, hội thảo, tham vấn chuyên gia và khảo cổ học. Riêng quy trình khảo cổ học tốn khoảng 2 năm, cộng thêm thời gian chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án.
"Bảo tồn, tôn tạo là chữa bệnh cho di tích mà chữa bệnh thì phải biết có bệnh gì, nếu cứ lao vào làm luôn thì di tích nghìn năm tuổi sau bảo tồn lại còn có một tuổi, cần hết sức thận trọng", ông Trần Việt Anh cảnh báo.
Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, tu bổ mới dừng lại ở chống đỡ cục bộ chứ chưa đặt di tích ở trong tình trạng bền vững lâu dài và phát huy giá trị về văn hóa, du lịch.
Giai đoạn 2001-2005, việc bảo tồn, tôn tạo mới được thực hiện cho 533 di tích với kinh phí 518 tỷ đồng. Giai đoạn 2006-2010, kinh phí là 1.500 tỷ với hơn 1.200 di tích. Giai đoạn 2011-2015, có 1.302 di tích được tu bổ với kinh phí 1.436 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, kinh phí 245 tỷ đồng với 471 di tích.
Theo Nghị định số 166/2018, UBND cấp tỉnh quyết định việc lập và phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chỉ thẩm định chuyên môn về di sản văn hóa làm cơ sở để tỉnh thành phê duyệt dự án tu bổ di tích đối với di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt.
Tuy nhiên trả lời cử tri mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thừa nhận bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn tồn tại. Đó là không thực hiện đúng nội dung đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định, còn xảy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu "hiện đại hóa" làm biến dạng, sai lệch, mất đi yếu tố gốc, giá trị của di tích.
Một số nơi còn vi phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích; chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục dẫn đến việc vi phạm trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng hệ thống mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển văn hóa còn tản mạn, chưa thực sự "trọng tâm, trọng điểm". Qua giám sát, Ủy ban thấy rằng các chương trình mục tiêu quốc gia đều được phân bổ nguồn vốn lớn "nhưng không tiêu được, không biết tiêu thế nào cho hiệu quả".
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Thường trực Ủy ban Xã hội) cũng đánh giá chương trình đang dàn trải, manh mún và khó thực hiện. Kinh phí đề xuất 256.000 tỷ đồng cũng "khá cao". Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 104.000 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo chỉ có 87.000 tỷ. "Cơ quan soạn thảo cần bổ sung căn cứ để xác định nguồn vốn", bà Lam nói.
Theo tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tổng các nguồn lực cần huy động là 256.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ (trung ương 77.000 tỷ, địa phương khoảng 30.250 tỷ, xã hội hóa 15.000 tỷ).
Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát gồm: Xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành chuyên nghiệp, chất lượng cao; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm, hội nhập quốc tế về văn hóa.