Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng: "Đây là cơ hội để khơi dậy tình đoàn kết, chấn hưng giống nòi". |
Đây là quan điểm được các đại biểu thống nhất rất cao, và yêu cầu đưa đầy đủ vào Nghị quyết của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề được nhiều cử tri phía Nam đề cập tới trong nhiều buổi họp với đại biểu Quốc hội.
Chính sách giải quyết dứt điểm những tồn tại về nhà đất do lịch sử để lại đã được bàn tới từ hơn 10 năm trước, trong lãnh đạo Quốc hội khóa 8. Tuy nhiên đây lầ vấn đề cực kỳ nhạy cảm, bởi các hiến pháp và văn bản pháp luật đất đai trước đây đều ghi nhận và khẳng định thành quả của các chính sách quản lý đất đai, cải tạo XHCN. Tất cả đều quy định một cách cứng rắn là không xem xét lại việc nhà đất nảy sinh trong hơn 50 năm cuộc cách mạng độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc. Nó lại thêm nhạy cảm bởi như lời cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc, rất nhiều những người có công trong cuộc cách mạng này nay phải sinh sống trong những ngôi nhà chật chội, khó mà chấp nhận việc những người bên kia chiến tuyến nay tìm cách đòi lại nhà cửa, đất đai của mình có từ chế độ cũ.
Đại biểu Trương Hòa Bình: "Nghị quyết cần khẳng định nguyên tắc không lật lại những chính sách trước đây". |
Chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm, nhưng hậu quả tinh thần của nó với người dân hai miền Nam - Bắc, người trong nước với bà con hải ngoại vẫn còn khắc sâu. Mà dai giẳng nhất có lẽ là những quyền lợi vật chất trước đây, nay vẫn còn nhiều người vương vấn. Song theo ông Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND TP HCM, thỏa mãn cho tất cả những đòi hỏi đó là không thể: "Chỉ 20 năm thôi, xã hội đã thay đổi nhiều. Nhà cửa, công trình kiến trúc sửa đổi, đất đai qua tay nhiều chủ". Theo ông, giải quyết quyền lợi chính đáng của dân, liên quan đến những quyết sách trong quá khứ là cần thiết, song quan trọng nhất phải nhằm tới sự ổn định chính trị, xã hội để phát triển kinh tế. Để giải quyết thấu đáo, không để một nghị quyết do Quốc hội ban hành lại gây xáo trộn xã hội, cần có thời gian chuẩn bị. Việc trước tiên có thể là chuẩn bị về mặt dư luận, để bà con thấu hiểu sự phức tạp của vấn đề cũng như điều kiện, hoàn cảnh hiện tại. Theo dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình, văn bản này sẽ có hiệu lực từ 1/4/2004, và thời hạn hoàn thành là 3-5 năm. Ông Trương Hòa Bình và nhiều đại biểu khác cho rằng thời gian như vậy là quá ngắn.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng ví những tồn tại về nhà đất liên quan tới chính sách trong các thời kỳ cách mạng trước đây như nồi cao áp. Vì vậy cần tính toán làm sao văn bản ban hành ra không làm bùng lên những gì đang âm ỉ sôi. Ông nhận xét dự thảo nghị quyết được soạn tốt, thể hiện tinh thần vì sự nghiệm đoàn kết dân tộc. "Tồn tại do lịch sử để lại, khả năng giải quyết chắc chỉ 8-9 phần. Sẽ có người chưa hài lòng. Nghị quyết đã kêu gọi sự hy sinh cá nhân vì cái chung của dân tộc" - ông Hùng nói. Tuy nhiên để kêu gọi được sự hy sinh đó, theo đại biểu Nguyễn Đình Lộc, Nhà nước phải biết xin lỗi dân: "Dân ta rất biết hy sinh, biết tha thứ. Người dân có khi chỉ cần Nhà nước nhận sai là đã có thể tha thứ, thông cảm với những khó khăn của Nhà nước".
Theo dự thảo nghị quyết, trừ những trường hợp trưng dụng, nay có khả năng thì chính quyền địa phương trả lại cho chủ cũ, còn lại các trường hợp khác việc giải quyết trả nhà đất chỉ áp dụng với những gia đình chủ cũ "có khó khăn về nhà ở". Và phần đất trả lại cho chủ cũ phải nằm trong hạn mức sử dụng đất ở, phù hợp với điều kiện địa phương. Theo quy định hiện hành, "có khó khăn về nhà ở" là trường hợp diện tích nhà ở tính trên đầu người dưới 6m2; hạn mức đất ở là 100m2 ở đô thị, 300m2 với khu dân cư nông thôn. Bộ Xây dựng tính toán, số trường hợp phải giải quyết sẽ không nhiều và chi phí sẽ không lớn.
Nghĩa Nhân