Nghị định 146 yêu cầu chậm nhất đến ngày 1/1/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải phát hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử. Song đến nay quy định này chưa được thực hiện, thay vào đó là mẫu thẻ giấy mới bằng giấy ép plastic với kích thước nhỏ hơn, sử dụng từ ngày 1/4.
Theo thông tin Bảo hiểm xã hội VN cung cấp trước đó, thẻ bảo hiểm y tế điện tử làm bằng nhựa, kích cỡ như thẻ ATM, có gắn chip điện tử lưu trữ thông tin người dùng, lịch sử khám chữa bệnh.
Về lý do chưa dùng loại thẻ nêu trên, ngày 24/3, ông Trần Đình Liệu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này đã xây dựng đề án đổi thẻ bảo hiểm y tế giấy sang thẻ gắn chip và lấy ý kiến bộ ngành để báo cáo Chính phủ. Song trong quá trình xây dựng, Bảo hiểm xã hội VN nhận thấy thẻ gắn chip có những ưu điểm lẫn bất cập riêng.
"Nếu cấp toàn bộ thẻ gắn chip cho người dân thì sẽ có thay đổi rất lớn. Tính bình quân 50.000 đồng một thẻ gắn chip từ khâu in đến cấp, thì chi phí thay thẻ cho gần 90 triệu người tham gia bảo hiểm y tế sẽ tiêu tốn Ngân sách nhà nước khoảng 4.500 tỷ đồng, mà tính hiệu quả chưa chắc đã vượt trội", ông Liệu nói.
Ông Liệu phân tích thêm, thẻ bảo hiểm y tế gắn chip tích hợp được khoảng 12-15 thông tin cơ bản, tạo thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh không cần mang theo giấy tờ tùy thân và cơ sở y tế dễ dàng trích xuất thông tin chủ thẻ. Song với thẻ hiện hành, dữ liệu người dùng cũng đã tích hợp lên Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế liên tục, quản lý tập trung tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sử dụng trên toàn quốc. Cơ sở y tế chỉ cần nhập mã thẻ của người bệnh lên hệ thống sẽ nắm được toàn bộ thông tin, lịch sử khám bệnh.
Việc dùng thẻ giấy (nhưng cơ sở dữ liệu điện tử) hay thẻ gắn chip thì quyền lợi khám chữa bệnh như nhau. Chưa kể, thẻ nào đến thời hạn cũng phải thay, thẻ gắn chip nếu hỏng, mất vẫn phải xin cấp lại như thẻ giấy.
Về đề xuất tích hợp thẻ bảo hiểm y tế với căn cước công dân gắn chip, ông Liệu cho hay quy định này chưa có trong luật và cũng phải chờ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tới đây khi tham gia sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN sẽ góp ý theo hướng tích hợp song cần có lộ trình.
Theo ông Liệu, đầu năm 2021, Bảo hiểm xã hội VN đã triển khai bảo hiểm xã hội số VssID, hướng người dùng đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, tích hợp thông tin cá nhân, lịch sử khám chữa bệnh...
Thời gian tới, cơ quan này sẽ thống nhất với Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể cho người tham gia khi khám chữa bệnh được dùng mã VssID thay cho thẻ giấy. Hiện chỉ người dân 10 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt năm 2020 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum được thụ hưởng chính sách này.
Hiện có hơn 86,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ trên 88,6% dân số. Mục tiêu năm 2025 trên 95% dân số có bảo hiểm y tế.
Hoàng Phương