Trong một cuộc khảo sát gần đây của CNBC, 36% người cho biết họ kỳ vọng lượng hàng tồn kho sẽ trở lại bình thường trong nửa cuối năm nay, 21% muốn trở lại bình thường trong nửa đầu năm nay và số còn lại mong đợi vào nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, các nhà quản lý chuỗi cung ứng không thể chắc chắn về thời điểm giải quyết được tình trạng thừa hàng.
Ông Paul Harris, Phó Chủ tịch WarehouseQuote cho biết: "Một số khách hàng sản xuất của chúng tôi đang gặp nhiều thách thức khi hàng tồn kho quá nhiều. Phần lớn họ chọn giữ hàng tồn kho và phản đối việc thanh lý". Cùng với đó, 27% người tham gia khảo sát đang bán trên thị trường thứ cấp vì hàng tồn kho ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty khi giá lưu trữ tăng cao.
Nhiều khách hàng có hàng hóa dễ hỏng đang bán chúng trên thị trường thứ cấp để tránh hỏng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu thị trường thứ cấp không phải là lựa chọn tốt, họ buộc phải tiêu hủy sản phẩm. Các nhà đầu tư đang lo lắng về thu nhập, xu hướng lợi nhuận và mong đợi Phố Wall điều chỉnh mức giá thấp hơn. Áp lực chuỗi cung ứng sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến các con số kinh doanh.
"Chi phí vận chuyển hàng tồn kho tiếp tục tăng do áp lực lạm phát và giao hàng chậm. Từ đây sẽ xảy ra rủi ro bán hàng tăng, áp lực ký quỹ", ông Mark Baxa, CEO CSCMP cho biết.
Gần một nửa số người được khảo sát cho biết áp lực lạm phát lớn nhất đang phải trả là chi phí nhà kho, tiếp theo là hạng mục khác như tiền thuê nhà và lao động. ITS Logistics chia sẻ, nhiều khách hàng phải sử dụng container và xe kéo 53 ft để lưu trữ vì các trung tâm phân phối đã đầy. Cuộc khảo sát của CNBC cũng cho thấy 50% số người được hỏi nói khoảng thời gian trung bình họ sử dụng container để trữ hàng là hơn 4 tháng.
Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ Stephen Lamar nhận định, những thách thức về chuỗi cung ứng và tất cả chi phí liên quan tiếp tục gây ra áp lực lạm phát. "Với những lo ngại về hàng tồn kho và hệ thống logistics đang khá mong manh, có những áp lực khác dần xuất hiện", ông bày tỏ quan điểm.
Nhóm của ông Stephen đang kêu gọi nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán về lao động ở cảng Bờ Tây và yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực loại bỏ các áp lực chi phí khác, ám chỉ đến thuế quan Mục 301 đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc - tiếp tục khiến chuỗi cung ứng đắt đỏ hơn.
Dữ liệu gần đây về sản xuất đã cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế, với chỉ số sản xuất ISM tháng 3 đang hẹp lại. Theo dữ liệu từ Chỉ số Dịch vụ ISM, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ sụt giảm mạnh về số lượng đơn hàng mới, xuất khẩu và giá cả.
Mức tồn kho và tiêu dùng là hai yếu tố ảnh hưởng đến lượng đơn hàng sản xuất. Các đơn đặt hàng này giúp đánh giá GDP của Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa do Covid-19. Lý do là nước này dựa vào sản xuất và thương mại để tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu từ FreightWaves SONAR, các đơn hàng vận tải đường biển tăng nhẹ và phục hồi sau đợt sụt giảm lớn trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đường xu hướng dài hơn vẫn là lượng đặt hàng đường biển giảm.
Trong khi đó, tình trạng dư thừa hàng tồn kho đang ảnh hưởng đến logistics vận tải đường bộ theo nhiều cách. Xe tải không chỉ di chuyển ít container hơn từ các cảng, còn di chuyển ít hơn từ các nhà kho đến các cửa hàng bán lẻ. Ông Shoaib Makani, người sáng lập kiêm CEO Motive cho biết: "Việc giảm sút này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng yếu đi. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của sự phục hồi trong chuỗi cung ứng. Với lượng hàng được chuẩn bị trong 2 năm qua, các nhà bán lẻ luôn sẵn hàng để tung ra thị trường trong thời gian tới".
Khi lượng đơn hàng tăng, "những cơn gió ngược" về hàng tồn kho vẫn là mối quan tâm của các chuyên gia logistics. Họ nhìn nhận kết quả cuộc khảo sát cho thấy chúng ta vẫn đang trong thời đại của những thách thức nghiêm trọng về chi phí vận hành chuỗi cung ứng. Chi phí kho bãi cũng góp phần tạo nên những thách thức cho nhà bán hàng hiện tại và trong tương lai.