Khoảng ba năm nay, chị cảm thấy mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau cơ khớp thường xuyên, tóc rụng nhiều. Gần đây, tóc rụng thành từng mảng và nổi ban đỏ khắp mặt. Chị lên mạng tìm hiểu dịch vụ cấy tóc, liệu trình ba buổi với giá 7 triệu kèm thêm 4 triệu đồng tiền thuốc. Sau hai buổi cấy, chị thấy tình trạng không được cải thiện, kèm theo ngứa và nổi nhiều ban đỏ nên đến bệnh viện khám.
Ngày 4/5, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết bệnh nhân mắc lupus ban đỏ, tình trạng rụng tóc là do căn bệnh này gây ra. Do đó, việc sử dụng dịch vụ cấy tóc sẽ không mang lại hiệu quả. Bệnh nhân may mắn chưa tổn thương nặng nề, chỉ định dùng thuốc chống viêm, giảm đau và theo dõi định kỳ.
Thống kê của Bộ Y tế, 90% bệnh nhân bị lupus ban đỏ là nữ, tuổi từ 15 đến 50, tỷ lệ mắc bệnh tương đối hiếm 50/100.000 dân. Đây là bệnh tự miễn mạn tính khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh, gây viêm, sưng, tổn thương các khớp và cơ quan trong cơ thể.
Biểu hiện của bệnh là gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau khớp, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên dễ bị nhầm lẫn. Nhiều người mất vài năm mới được chẩn đoán bệnh.
Hiện, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Lupus ban đỏ không thể tự điều trị tại nhà vì bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn, phải theo dõi và làm xét nghiệm hàng tháng.
Bác sĩ khuyến cáo khi thấy có những dấu hiệu bất thường về da như rụng tóc, nổi ban đỏ ở mặt, nhạy cảm về ánh sáng nên đến kiểm tra tại các cơ sở y tế có phòng khám chuyên khoa, tránh "tiền mất tật mang" và bỏ qua giai đoạn vàng điều trị.
Minh Tâm