Ngày 21/4, bà Hồ Thị Hòa, trú xóm Đồng Hưng, xã Quỳnh Bảng nhặt tôm chết đang phân hủy dưới ao nuôi. Hơn một tháng trước, gia đình bà đã thả 200 kg tôm giống xuống 5 ao rộng hơn 2 hecta. Tuy nhiên gần một tuần qua, tôm bắt đầu nổi lờ đờ trên mặt nước, giảm ăn và chết hàng loạt dưới đáy ao. Gia đình phải liên hệ thương lái đến thu mua những con còn tươi để vớt vát chút vốn.
Thời điểm này tôm đã trưởng thành, một kg khoảng 60 con. Dù giá rẻ nhưng thương lái không mặn mà, chỉ mua vài kg về bán thử rồi không quay lại. Số còn lại bà Hòa phải huy động các thành viên trong gia đình vớt lên tiêu hủy. "Vụ này thiệt hại hơn 100 triệu đồng, sắp tới chúng tôi phải vay vốn nuôi lại", bà nói.
Không chỉ gia đình bà Hòa, hàng chục hộ dân khác tại xã Quỳnh Bảng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều ao tôm có diện tích từ 500 đến 1.000 m2 có tôm nuôi 1-2 tháng chết không rõ nguyên nhân. Người dân buộc phải tháo nước trong ao, phơi khô đáy, sau đó rắc vôi bột để tránh ô nhiễm môi trường. Nhiều ao đầm trên địa bàn đang bỏ không, đợi thời tiết ổn định để thả con giống nuôi lứa mới.
Theo Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng, địa bàn có 168 ha đầm ao nuôi tôm. Đến ngày 20/4, người dân đã thu hoạch được 50% diện tích tôm vụ chính. Gần đây, tôm nuôi gối vụ thả từ 7 đến 20 ngày bị chết đến 90%. Với mỗi hecta tôm, chủ ao phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua con giống, vật tư xử lý ao đầm và thức ăn. Từ đầu tháng 4 đến nay, người nuôi tôm trong xã thiệt hại mỗi hộ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Ngoài xã Quỳnh Bảng, các ao nuôi tôm ở xã Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên... cũng có tỷ lệ chết trên 50%. Chính quyền đã cử cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn người dân cách xử lý, vệ sinh ao đầm để thả tôm giống mới sau 3-4 tháng.
Ông Bùi Xuân Trúc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, cho biết toàn huyện có 465 hecta ao đầm nuôi tôm, thuộc sở hữu của hơn 400 hộ dân. Mỗi hộ nuôi từ 500 m2 đến hơn 2 hecta. Hiện khoảng 20 hecta có tôm chết.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, kết quả lấy mẫu tôm chết gửi Cơ quan thú y vùng 3 xét nghiệm cho thấy không có triệu chứng của bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Cơ quan chuyên môn nghi tôm chết do mắc hội chứng gan tụy cấp tính. "Tôm có thể mắc bệnh này do thời tiết nắng mưa thất thường, nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột", lãnh đạo Chi cục nói.
Nhà chức trách khuyến cáo khi vào vụ mới, người nuôi cần mua tôm giống đảm bảo chất lượng, có kiểm dịch của cơ quan thú y. Quá trình nuôi cần chú ý nguồn nước, theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc. Khi trời oi bức cần tăng cường quạt nước để tăng lượng ôxy trong ao đầm.