Vụ nuôi tôm năm 2015 hầu hết các vùng nuôi ven biển Hà Tĩnh bị mất trắng do người dân chủ quan vì vụ năm trước được mùa nên đã không để ao dự trữ, xử lý nước cấp khiến tôm bị bệnh. Ở Công ty Dịch vụ Thủy sản Thạch Hà có 6 ao nuôi, 5 ao bị tình trạng tương tự, duy nhất một ao nghiên cứu có sử dụng các chế phẩm đất hiếm, tôm khỏe và cho thu hoạch.
Đất hiếm dùng trong ao nuôi tôm là dạng bột và nước, với các thành phần các khoáng trung, vi lượng: K, Ca, Cu, Fe, Zn, Mg, Mn, chất tạo phức, khoáng bentonite... được điều chế bởi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ và Môi trường, Viện Công nghệ xạ hiếm.
Để tạo ra sản phẩm này, TS Nguyễn Bá Tiến, Giám đốc Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ và Môi trường, Viện Công nghệ xạ hiếm cho biết, nhóm nghiên cứu dùng quặng đất hiếm được lấy từ Lai Châu về xử lý tách phóng xạ, sau đó trộn với axit đậm đặc và nung nóng với nhiệt độ rất cao, từ đó phân hủy tạo thành muối của đất hiếm với gốc axit sunfuric hoặc gốc axit nitric. Các phương pháp hòa tan dung dịch, kết tủa để loại bỏ tạp chất được thực hiện sau đó để tinh lọc dung dịch đất hiếm. Dung dịch này được cho thêm các khoáng trung, vi lượng và các chất khác để ra được thành phẩm cuối cùng.
Sử dụng dung dịch này, tôm giống được xử lý và cung cấp thức ăn như bình thường, hồ nuôi được theo dõi các chỉ tiêu: pH, màu nước, tảo, các khí độc NO2, NH3, H2S. Tôm nuôi hơn hai tháng tuổi, trọng lượng bình quân đạt: 76 con/kg. So sánh với cách nuôi thông thường, ao có dung dịch đất hiếm giúp tôm sinh trưởng nhanh hơn, màu sắc đẹp, vỏ sáng bóng, thịt săn chắc, trọng lượng tương đương so với tôm 3 tháng tuổi.
"Chúng tôi đã phân tích dư lượng đất hiếm trên tôm thành phẩm thấy tổng 14 chỉ số (Sc,Y, Nb, La, Ce...) ở ao khảo nghiệm là 2,019 - 2,321 mg/kg, ao đối chứng là 1,879 -1,978 mg/kg. Như vậy dư lượng đất hiếm trong mẫu khảo nghiệm không khác so với đối chứng. Việc dùng đất hiếm có thể thay thế việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, giúp các sản phẩm tôm không vi phạm yêu cầu về dư lượng kháng sinh khi xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ...", TS Tiến nói.
Ông cũng giải thích thêm, trong môi trường có đất hiếm, tảo độc trong nước bị tiêu diệt, kim loại nặng và các chất phú dưỡng trong nước bị hấp thu nên môi trường ao nuôi luôn ổn định. Tôm sạch bệnh, phát triển đều, ăn khỏe, thức ăn dư thừa như trước không còn lắng đọng dưới đáy hồ. Mỗi khi thay đổi thời tiết, người chăn nuôi cũng không cần phải phun hóa chất bảo vệ bởi trong môi trường nước có đất hiếm, sức đề kháng của tôm cao hơn.
Theo tính toán, một lứa tôm nuôi trong 3 tháng, người nuôi chỉ cần 2 cân bột, 2 lít dung dịch đất hiếm (chi phí khoảng 1 triệu đồng/1.000 m2). Trong khi cách nuôi thông thường cứ mỗi lần thay đổi thời tiết, người nuôi phải phun hóa chất để bảo vệ môi trường nước cũng hết 1 triệu đồng/1.000 m2 và một lứa tôm có khi phải phun hóa chất nhiều lần.
Thực tế việc sử dụng đất hiếm trong chăn nuôi không phải là phương pháp mới. Tại Trung Quốc những năm 70 của thế kỷ trước bắt đầu sử dụng đất hiếm trong ngành chăn nuôi nhằm đẩy mạnh khả năng hấp thụ của các loài gia súc, gia cầm, từ đó tăng năng suất thịt, trứng, sữa của chúng. Ở các nước châu Âu trước những năm 60, chính phủ nhiều nước sau khi nghiêm cấm sử dụng các loại vắcxin trong chăn nuôi đã chuyển sang ứng dụng đất hiếm vào canh tác hiệu quả.
Mới đây nhóm nghiên cứu đã khảo nghiệm thêm tại các mô hình nuôi tôm ở Hải Hậu (Nam Định), Hải Phòng và Đồng Nai cũng cho kết quả vượt so với các ao đối chứng. Sản phẩm được giới thiệu tại Chợ Công nghệ và thiết bị chuyên ngành công nghệ sinh học (Biotechmart 2019) nhận được quan tâm của nhiều doanh nghiệp. TS Tiến cho biết, nhóm nghiên cứu đang làm các thủ tục xin cấp phép để thương mại hóa các sản phẩm trong thời gian tới.