Thỏa thuận đạt được sau quá trình đàm phán giữa Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA) cùng Bộ Kinh doanh và Thương mại (DBT) Anh với các cơ quan chức năng Việt Nam.
Theo dữ liệu của nền tảng dữ liệu thương mại toàn cầu WITS (World Integrated Trade Solution), năm 2023, Anh xuất khẩu hơn 2,6 tấn tôm hùm các loại (trừ đông lạnh), thu về 66 triệu USD. Đồng thời, nước này bán ra toàn cầu hơn 2,6 tấn cua đông lạnh, kim ngạch 22,6 triệu USD.
Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế ước tính Việt Nam là thị trường có lượng tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao nhất ở Đông Nam Á, với khoảng 37 kg thủy sản mỗi người một năm.

Tôm hùm và các loại ốc xuất xứ từ Anh. Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam
Hiệp hội Thủy sản có vỏ Vương quốc Anh (SAGB) ước tính việc tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ mang lại khoảng 20 triệu bảng Anh (gần 26 triệu USD) cho ngành thủy sản nước này trong 5 năm tới.
Việc cho phép thủy sản tươi sống của Anh tiếp cận thị trường Việt Nam cũng sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác thương mại hiệu quả giữa 2 nước, theo Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Việt Nam và Anh có hai hiệp định thương mại tự do quan trọng là UKVFTA, hiệu lực từ đầu 2021và CPTPP mà Anh chính thức trở thành thành viên từ 16/7/2023.
Theo số liệu của Cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu gần 34,5 triệu USD thủy sản tươi, đông lạnh và đã qua chế biến từ Anh trong năm 2024, tăng 11,2%. Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 5,4 triệu USD, tăng hơn 15%.
Chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Anh năm qua đạt hơn 311,4 triệu USD, tăng 8,16%. Hai tháng đầu 2025, người Anh chi 41,5 triệu USD mua thủy sản Việt Nam, tăng 11,58%.
Dỹ Tùng