Nuôi dạy con là một quá trình dài, có những người mong con thành tài nhưng cũng có những người chỉ cần con khỏe mạnh, bình an. Tựu chung lại vẫn là mong muốn những điều tốt đẹp đến với con. Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận, kỳ vọng và phương pháp khác nhau, quan trọng giữa vợ chồng có thống nhất được quan điểm và hài hòa trong cách dạy con hay không. Tâm sự "Chồng chê tôi suy nghĩ dốt khi không ép con học giỏi" là một ví dụ. Sau đây là trải nghiệm từ những người trong cuộc.
Chồng tôi không mong con học giỏi, chỉ cần hiểu chuyện
Tôi lui về làm hậu phương cho chồng sau mấy năm cùng nhau bươn trải ngoài xã hội. Tôi chỉ có một cô con gái, chồng không đi làm xa nhưng việc nuôi dạy con hầu như 90% là tôi chịu trách nhiệm. Chồng tuy là người kinh doanh và có nhiều kinh nghiệm sống ngoài xã hội nhưng anh lại muốn con có cuộc sống nhàn nhã. Anh bảo việc học tập chỉ là một quá trình trong giai đoạn trưởng thành của mỗi con người, nên giỏi hay không anh không quan trọng, chỉ cần con hiểu chuyện và là người tốt là đủ. Vậy nên anh gần như không quan trọng điểm số hay định hướng cho con sau này làm gì, gần như không muốn cho con học thêm vì sợ con áp lực và không có thời gian chơi.
Tôi cũng không mong cầu con giỏi giang thành ông nọ bà kia nhưng mong con cố gắng hết sức và không lười biếng trong học tập. Chúng ta không thể bảo bọc con cả cuộc đời. Vì vậy, tôi hay bảo con phải cố gắng, không ỷ lại bố mẹ, dù con không giỏi giang nhưng phải cố gắng học tập để mai này bước ra xã hội không bị thiệt thòi. Chúng ta khuyên con học chứ không ép con học. Tôi hay nói chuyện với con rằng việc học của con có thành tài hay không, mai này là con được nhờ chứ không phải bố mẹ; con có cố gắng hay không và cuộc sống ngày sau ra sao còn tùy thuộc vào bản thân con.
Xã hội ngày nay, trong công việc cạnh tranh vô cùng khóc liệt nên nếu kinh tế ổn định, việc hướng con học hỏi và trau dồi ngoại ngữ, tiếp thu thêm nhiều kiến thức hoàn toàn tốt cho con. (Bùi)
Tôi để con tự phát huy chứ không ép buộc trong học hành
Tôi là người chồng, đi làm xa, mỗi năm về quê 3-4 lần thăm vợ con. Vợ tôi trở về quê nuôi dạy hai con, con trai ba tuổi rưỡi và bé gái sáu tháng tuổi. Con trai tôi rất nghịch ngợm nhưng lễ phép và học nhanh lẹ. Bạn bè có thể học chăm chỉ, nghe học để thuộc bài, nhưng thằng bé nhà tôi vừa chơi vừa nghe là thuộc được bài, cô hỏi lại con thuộc hết.
Tôi nói với vợ: đừng tạo ra một đứa trẻ cứ "gọi dạ bảo vâng", bảo sao làm vậy, đừng biến con thành rôbốt hay đứa trẻ "ngoan như cún", hãy để con trẻ có quan điểm của mình để bộc lộ được tiềm thức của con. Tôi nói với vợ rằng khi dạy con, đừng tạo sự sợ hãi trong tiềm thức của con, đừng đánh đập, đừng la mắng, đừng trút sự tức giận lên con cái. Hãy bình tĩnh và sau đó tập ngồi nói chuyện với con cái như người bạn, hãy thể hiện sự tôn trọng đứa nhỏ. Hãy chỉ dạy con để con tự tin, không phải lo lắng sợ hãi, sau này ra đời con sẽ tự tin hơn.
Và một điều tôi nói với vợ là hãy cho con đi học thêm tiếng Anh, chỉ cần cho đến lớp để con được hòa vào một ngôn ngữ mới. Hãy để điều đó như một kỹ năng, vì sau này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho tương lai của con.
Vậy đó, quan điểm tôi là chỉ cần con cái khỏe mạnh, lễ phép, khôn ngoan, tự tin và có kỹ năng, tiếng Anh. Đó sẽ là hành trang quan trọng cho cuộc đời con, còn mọi thứ về học hành, tự con học tập và phát huy qua năm tháng trên ghế nhà trường, không phải ép buộc làm gì. (anhtuan0806)
Tôi yếu đuối, thiếu bản lĩnh khi sống trong gia đình có mẹ làm chủ
Tôi lấy chính mình làm ví dụ. Tôi sinh ra trong gia đình mà mẹ là người làm chủ, mọi vấn đề trong nhà tôi đều do mẹ tính toán và quyết định, còn ba chỉ làm theo. Lúc còn ở nhà, tôi thấy mọi việc không có gì nghiêm trọng, nhưng khi ra xã hội mới thấy mình không có bản lĩnh, không quyết đoán. Còn em trai tôi kết hôn, giờ theo đúng "dấu chân" của ba tôi, mọi việc cũng do vợ quyết định và làm chủ, nó cũng chỉ thực hiện.
Tôi may mắn hơn là do ra ngoài xã hội và được học hành, công việc phải giao tiếp nhiều nên tính cách thay đổi và trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng cũng không bằng những người khác.
Từ kinh nghiệm bản thân nên khi có con trai, tôi đã giáo dục và theo sát sự phát triển của con. Do tính cháu hơi nhút nhát khi giao tiếp với người lạ nên tôi luôn khích lệ hãy mạnh dạn lên, chỉ có người mạnh dạn và giao tiếp tốt mới dễ thành công; con trai phải mạnh mẽ và quyết đoán chứ đừng nhút nhát quá. Nhờ vậy, cháu thay đổi được ít nhiều.
Xã hội ngày càng cạnh tranh khốc liệt, người không giỏi, không chịu được áp lực sẽ không thành công; có nhiều cái mình không muốn nhưng nó vẫn đến, nếu không chịu được áp lực sẽ bị gục ngã. (Dân Đen)
Dại dột khi nghe chồng nghỉ việc chăm con
Tôi từng là giáo viên ở Sài Gòn. Khi lấy chồng, anh ta từng bước xui tôi nghỉ làm để dưỡng thai, nuôi con để anh ta đi làm, lo mọi thứ. Rồi từ đây, tiếng nói của tôi tôi không có giá trị nào nữa. Bị xem thường, bị khinh miệt, bị chửi những lời lẽ khó nghe rằng tôi ngu dốt không biết dạy con, không biết nấu ăn này nọ... Tôi nghĩ lại thấy bản thân ngu thật, bị thao túng tâm lý vài năm. Tôi ngộ ra nên sửa sai, cho anh ta giải tán khỏi cuộc đời mình lâu rồi. (Nguoixala)
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc