Lần đầu tiên, tôi biết tới nước Anh qua những thước phim hài ngài Bean mà tôi thường bật xem khi những lúc bố mẹ vắng nhà. Khi đó, hình ảnh nước Anh trong tôi là ngôi nhà san sát được xây bằng gạch, lợp mái ngói màu nâu xám, các ô cửa sổ màu trắng và cả thùng rác màu xanh đặt ở khu vườn nhỏ, sân sau nhà. Thế nhưng sau này, tôi cũng không ngờ rằng những hình ảnh đó lại trở nên là một phần thân thương của cuộc đời tôi như vậy.
![1_1443856736.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/1-9655-1444008326.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PWGlueM8abQw7-cZe9sb2Q)
Cách đây gần hai năm, từ một cô bé nhỏ tuổi ngồi ở nhà chỉ biết tới Anh qua những tập phim hài của ngài Bean ấy, tôi đã đặt chân tới nhà ga King Cross, thủ đô London sau hơn 24 tiếng bay và một giờ đi tàu điện ngầm. Cái không khí và làn gió lạnh sáng sớm của đất nước ôn đới lùa qua từ cổng ga tới mái vòm sắt ngấm vào cơ thể. Sau khi loay hoay mua thẻ đi tàu và vé tàu từ London về Newcastle, lỉnh kỉnh với balô và vali lớn bé, tôi được bác soát vé giúp bê lên tàu mà không chút nề hà hay đòi hỏi.
Ngồi trên chuyến tàu bốn tiếng từ London về Newcaslte, qua ô cửa kính, tôi thả hồn mình vào vùng miền quê của nước Anh với những cánh đồng lúa mì vàng ruộm chờ thu hoạch nốt của những ngày cuối thu, những cây cỏ bắt đầu được tô vàng màu lá và những chú cừu với bộ lông trắng như cây kẹo bông đường nổi bật trên đồng cỏ xanh. Xa xa là phía đường chân trời ráng màu quả cam với vài vệt mây đen xen lẫn với những làn mây trắng như sắp mưa - đặc trưng của xứ sở xương mù. Không chút còi xe inh ỏi, không chút bụi bặm chốn thành thị, yên bình và thơ mộng là những gì mà tôi cảm nhận được từ giây phút đầu tiên đặt chân tới đất nước xinh đẹp này.
Nói lời chào với đôi bạn ngồi cùng bàn về Aberdeen phải đi tàu hơn bốn tiếng nữa, tôi đã đến Newcastle - thành phố mà tôi sẽ sinh sống và học tập gần hai năm tới. Cùng xuống tàu, một anh con trai trẻ đi cùng bà mẹ đã giúp tôi đỡ đống vali nặng xuống sân tàu. Nói lời cám ơn và đáp lại câu hỏi của hai người về ấn tượng của tôi khi tới nước Anh, tôi đã nói mình ấn tượng với kiến trúc bình dị của những ngôi nhà mà nhìn vẫn y hệt như trong phim ngài Bean mà tôi đã xem vậy. Hai người phá lên cười về câu trả lời ngô nghê của tôi và không quên nói “Chào mừng tới Newcastle” trước khi tạm biệt.
Newcastle đã đón chào tôi như vậy đó. Gần hai năm sống ở thành phố nhỏ nhắn và xinh đẹp này, tôi đã được sống đúng với bản thân mình, làm những gì mình thích và dám làm những gì mà ngày trước bản thân tôi ở Việt Nam không dám làm. Và hơn nữa, tôi dám chắc rằng, đối với bất kỳ du học sinh Anh nào, khi nhắc tới những kỷ niệm của mình tại đất nước lạnh và đầy sương mù này cũng luôn bắt đầu với cụm từ “lần đầu tiên”.
![2_1443856744.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/05/2-5127-1444008326.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1lhWzdslmx07Y7ExkFLaqw)
Lần đầu tiên tôi đi bộ nhiều hơn rất nhiều so với hồi ở nhà để tới trường, siêu thị, tới chợ của những người đạo Hồi ở Fenham, thậm chí có thể là vài tiếng lang thang quanh con đường Quayside dọc bờ sông Tyne ở Newcastle, dọc bờ biển Tynemouth, tới ngọn hải đăng ở Whitley Bay để xem hải cẩu. Ngoài ra, tôi còn đi các con phố quanh lâu đài Endinburgh, hẻm phố Shambles với các cửa hàng kẹo như Hẻm Xéo trong phim Harry Porter ở York hay dọc bờ sông Thames với tháp đồng hồ Big Ben, tòa Nghị viện Westminster và cung điện Buckingham ở London, mà thay vì có thể vi vu trên chiếc xe máy như thường lệ ở Việt Nam.
Tuy đã quen thuộc với việc tự bản thân luôn làm hết trước đó, nhưng ở Anh cũng là lần đầu tiên tôi nếm trải vị cay đắng, những giọt nước mắt khi lần đầu tiên bị lừa mất khá nhiều tiền nhà, khi những lần đầu tiên đi bộ xa chưa quen tới mức sưng bọng nước và rớm máu ở chân và khi ngồi ăn một mình mà thèm những bữa cơm mẹ nấu da diết. Và sau đó, cũng là lần đầu tiên tôi tự mình giải quyết mọi việc từ việc lặn lội tìm nhà, chuyển nhà sau những cuộc thi cử căng thẳng, đi chợ, nấu nướng cho cả tuần hay đi làm thêm trong những dịp nghỉ lễ.
Cũng là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ nhiều bạn bè tới từ mọi châu lục, trải nghiệm sự đa dạng văn hóa và kinh nghiệm sống mà mỗi cá nhân chúng tôi mang lại. Sau những giờ học trên lớp, chúng tôi lại miệt mài “cày cuốc” chuẩn bị bài, viết luận ở thư viện Robinson và “tự nhốt” mình hơn mấy tháng trời trong phòng học riêng để cùng ôn kiểm tra và chuẩn bị viết luận văn thạc sĩ. Tôi nhớ mãi kỷ niệm nhóm bạn Thái Lan cùng lớp chia cho tôi phần bánh hamburger và khoai tây chiên McDonald những lúc học mệt nhoài tới năm, sáu giờ sáng. Đó là những gì mà chúng tôi có thể kiếm được vào giờ đó vì trong trung tâm thành phố Newcastle, chỉ duy nhất mỗi một cửa hàng McDonald mở 24/7.
Cũng là lần đầu tiên sau khi kiểm tra xong, tôi có những buổi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng với chúng bạn cùng lớp, cùng nấu cho nhau những món ăn đặc trưng của nước mình, cùng uống bia rượu, say xỉn nhảy theo những bài nhạc và “sát phạt” nhau khi chơi trò tỷ phú Monopoly.
Nếu một ai đó hỏi tôi điều mà tôi nhớ nhất về Newcastle và nước Anh là gì thì câu trả lời của tôi sẽ là con người ở nơi đây. Trước đây, tôi hay xem phim Mỹ và nhiều khi qua những câu bông đùa của người Mỹ về người Anh, tôi vốn nghĩ người Anh không được thoải mái, lại cố hữu và đôi chút bảo thủ. Nhưng khi sinh sống và học tập ở đây, người Anh đã mang đến cho tôi một cảm nhận khác. Đặc biệt đối với tôi, người Geordie vùng Đông Bắc nước Anh với chất giọng và ngôn ngữ địa phương mà mỗi khi họ nói nhanh là tôi không nghe được hết. Nhưng khi đã gắn bó với nơi này, những điều đó trở nên thật thân quen, mà đặc biệt khi đi thăm thú bất kỳ thành phố nào bạn sẽ nhớ lắm và sẽ không thể tìm thấy được.
Tôi đã được họ giúp xách đồ về tận nhà, được hoàn trả lại quyển sách đắt tiền mà tôi đã trót đổi tới bốn lần, được họ chỉ đường tới tận nơi, tập nói ngôn ngữ Geordie bông đùa với họ. Các bác già sống cùng nhà với tôi luôn nói chuyện, hỏi han tôi về Việt Nam, để dành đồ ăn cho tôi khi làm tiệc vườn nướng và bác chủ nhà đặc biệt còn luôn pha sẵn cho tôi một cốc trà sữa nóng mỗi khi tôi đi học muộn ở trên thư viện về. Điều ấm áp nhất mà tôi cảm nhận được từ những con người to lớn, tưởng chừng như lạnh lùng ấy chính là tấm lòng đôn hậu, sự chân thật, tốt bụng hiếm thấy với nụ cười không bao giờ tắt, những lời cám ơn và xin lỗi không bao giờ có giới hạn và sự nồng nhiệt trong mỗi cuộc vui.
Quãng thời gian sinh sống và học tập tại Newcastle và nước Anh được coi là món quà vô giá mà cuộc sống đã đem lại cho tôi. Trước đây tôi từng nghĩ đi du học nhanh nhanh để còn về với gia đình, nhưng khi mở món quà vô giá đó, tôi đã được nhận nhiều hơn những gì bản thân dự định, đó chính là tình bạn, tình yêu và tình người. Đúng như câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Thành phố Newcastle và nước Anh đã trở thành một phần của tâm hồn tôi mất rồi. Tôi nhớ lắm Newcastle ơi. Tôi yêu lắm đất nước của ngài Bean!
Nguyễn Phương Dung