Vợ chồng tôi ở Mỹ gần 40 năm và đã về Việt Nam sinh sống gần hai năm nay. Hồi ở bên Mỹ khi đi chợ tôi luôn đợi nhận tiền thối lại, nên về Việt Nam, dù với số tiền rất nhỏ như 500 đồng, thậm chí là 200 đồng tôi cũng chờ thối lại. Những khi người bán hàng thối lại tiền mà thiếu 200 đồng, tôi có cảm tưởng như có một cái gì “không ổn” và không thích lắm.
Tiền lẻ ít được "trọng dụng" ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Phan Dương
Tôi có thể biếu một cụ già ăn xin 100.000, hay tặng 10.000 đồng cho một em bé bán vé số. Đối với tôi số tiền đó rất nhỏ và tôi vẫn thường xuyên làm vậy, nhưng tình huống đó hoàn toàn khác với chuyện mua bán ở đây… Tiền thối lại là tiền của tôi, nếu tôi không cho, thì tôi phải nhận lại đủ, cho dù chỉ có 200 đồng. Tuy không mua được gì với 200 đồng đó, nhưng nếu tôi cất lại thay vì vứt bừa bãi, thì khi có đủ 5 tờ, tôi cũng mua được một thứ gì đó vậy.
Ở Mỹ chúng tôi trân trọng từng đồng 1-5, hoặc 25 cents, mặc dù nó nặng và không tiện mang nhiều trong người. Với những những tiền lẻ đó, cả hai vợ chồng đều sẽ cho vào trong một cái hộp, để trên góc bếp, chứ không vứt bừa bãi cùng nhà, vì đó là tiền thật, chứ không phải rác rưởi.
Khi đầy hộp sẽ bỏ hết vào một cái túi, không cần đếm. Sau đó đem ra ngân hàng họ cho vào máy đếm và đưa lại cho chúng tôi tiền giấy. Số tiền này có khi được đến vài trăm đôla là thường. Và với số “tiền lẻ” đó chúng tôi mua được rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ một thứ.
Bây giờ ở Việt Nam, giữ thói quen cũ, tôi vẫn dành lại tiền lẻ, khi có được nhiều, tôi bắt đầu đem theo xài. Có người miễn cưỡng nhận, nhưng phần đông lắc đầu không nhận, và bảo không xài nữa. Thậm chí họ còn ném cho tôi một cái nhìn không mấy thiện cảm.
Ngay cả ở siêu thị, lúc tính tiền thì họ tính từng đồng, nhưng khi thối lại tiền, họ không xài tiền trăm, chỉ thối lại bằng kẹo.
Có lẽ chuyện ”sĩ diện với tiền lẻ” chỉ có ở Việt Nam. Đừng sĩ diện hão khi chúng ta còn nghèo.
Người Việt
Chia sẻ câu chuyện về văn hóa tiêu tiền ở Việt Nam và các nước tại đây.