- Ông đánh giá như thế nào về thông tin kiểm soát của địa phương và thực tế diễn ra trong vụ việc giám thị ném "phao" vào phòng thi ở Bắc Giang vừa qua?
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Trước hết, đây là một sự việc hết sức đáng tiếc. Bởi lẽ đây là quê hương của Thân Nhân Trung, tác giả câu nói "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Bắc Giang cũng tự hào về sự phát triển của tỉnh về giáo dục. Với sự việc vừa qua, với sự phát hiện do một số người, bằng những phương tiện không hợp thức, nhưng góp phần làm minh bạch vấn đề thì có thể thấy, nhận định của Bộ Giáo dục phần nào chưa bao quát hết các sự kiện.
- Không chỉ Bắc Giang mà ở một số tỉnh, phao thi được vứt bừa bãi sau kỳ thi. Tình trạng này nói lên điều gì?
- Dù chưa định lượng được sự việc xảy ra ở Bắc Giang có ở một trường hay nhiều trường nhưng nó cho thấy vẫn còn cái áp lực về thành tích quá lớn cho ngành giáo dục. Giáo dục liên quan tới cộng đồng, không chỉ các cháu mà cả bố mẹ các cháu nữa. Nên mối quan tâm của bố mẹ là rất chính đáng. Nhưng chính áp lực thành tích chủ nghĩa dẫn đến sai phạm làm mất lòng tin của người dân. Đây là tình trạng tồn tại lâu nay, bề nổi của áp lực thành tích mà các cháu phải mang theo.
Tại sao ngày xưa chúng tôi học không đến nỗi như thế này mà vẫn có thể trưởng thành được? Đành rằng bây giờ thời đại thay đổi nhiều, thông tin lớn và nhu cầu nhân lực cao nhưng dẫu sao vẫn tìm phương thức bắt đầu trong nhận thức các nhà lãnh đạo, cha mẹ học sinh.
Lời giải photo được gửi từ bên ngoài vào cho thí sinh chép. Ảnh chụp từ clip. |
- Theo ông cần làm thế nào để có kỳ thi nghiêm túc?
- Tôi cho rằng, phải tạo được tiếng nói không chỉ phát hiện, phê phán, lên án mà phải tranh thủ ý kiến các nhà giáo, từ những sáng kiến đó Bộ Giáo dục lắng nghe và có giải pháp thích hợp. Đối với các cháu, thành tích chủ nghĩa không tạo ra động lực phấn đấu cạnh tranh cần thiết cho cuộc sống mà nhiều khi đẩy các cháu tới sự đối phó. Áp lực đó là "lợi bất cập hại".
- Đối với cá nhân thí sinh dùng thiết bị để ghi hình vụ tiêu cực ở Bắc Giang, hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng hành vi của thí sinh là sai phạm, cần xử lý nghiêm, số khác cho rằng, thí sinh đó có công, cần bảo vệ quyền lợi và lỗi chính là của người lớn. Ông nghĩ sao?
- Tôi có đọc nhiều ý kiến trái chiều. Theo tôi, cần xem hiệu ứng của hành động đó là gì? Hành vi quay clip có thể là sai, cần phải nhìn nhận. Nhưng ngay cả câu hỏi tại sao để phạm quy cũng cần phải làm rõ. Nhà trường có ngăn cản, căn dặn các cháu không được làm điều đó không? Rõ rằng cơ bản đây là lỗi nhà trường.
Hơn nữa việc phát hiện này tạo ra hiệu ứng tích cực. Theo tôi trong trường hợp này không nên xử lý các cháu, mà chỉ rút kinh nghiệm, thậm chí có thể cảnh cáo và đồng thời coi đó là bài học để ta có biện pháp quản lý tốt hơn. Quản lý tốt hơn không phải là để giấu sai sót mà để nhìn nhận công bằng, minh bạch cái sai sót đấy để hạn chế, triệt tiêu nó.
- Sau 6 năm thực hiện vận động "hai không" từ năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp hiện nay trở về mốc cao như trước. Ông đánh giá như thế nào về cuộc vận động này?
- Chắc chúng ta không ai mong các cháu trượt nhiều nhờ thi cử nghiêm túc. Thứ hai, thi tốt nghiệp đây là thi để vượt qua, kết thúc 12 năm học. Cần sự nghiêm túc nhưng phải thực tế. Thực tế tức là ra đề thi đừng vượt quá sức các em. Ngay cả trong nhà trường còn có nhiều vấn đề tồn đọng như chương trình, sách giáo khoa... Không phải nương nhẹ nhưng phải có thực tiễn để giảm áp lực.
Còn sai phạm phải căn cứ vào thực tế chỉ là một trường ở Bắc Giang, chưa thể định lượng để bảo là phổ biến. Còn suy luận tại sao tỷ lệ vẫn cao như ngày xưa cần phải phân tích nhiều phương diện chứ không phải là sự trở lại.
- Hiện tỷ lệ tốt nghiệp nhiều tỉnh xấp xỉ 100%, nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ thi tốt nghiêp, sáp nhập vào kỳ thi đại học như đề án một kỳ thi. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi cũng ủng hộ phương án ấy, vì sẽ giảm thiểu sự đầu tư không cần thiết ngay cả đối với các cháu. Tôi cho rằng, thi tốt nghiệp phổ thông thì chỉ cần đạt ngưỡng điểm nhất định, khác với thi đại học phải đạt điểm cao để được tuyển. Cần phải thay đổi nhận thức về kỳ thi này. Ngay chuyện học nhiều quá hiện nay tôi cho là không bình thường. Giáo sư Tôn Thất Tùng từng nói từ năm 1974 là, đừng bắt trẻ con học nhiều quá, thi nhiều quá, làm mất đi cái sự phát triển bình thường, nhất là não trạng của đứa trẻ, bởi nó hằn vào đấy cả đời. Đây là quan điểm giáo dục quan trọng cần phải được thực thi hóa trong các nhà lãnh đạo giáo dục.
Theo tôi, có thể làm tốt đánh giá trong quá trình học của học sinh chứ không phải trong một kỳ thi. Các cụ bảo "học tài thi phận", tôi chia sẻ cái đó. Thi cử tạo áp lực, dẫn đến kết quả mà chính mình không mong muốn. Tôi tán thành làm tốt việc đánh giá trong quá trình quản lý, quá trình học các cháu và làm nghiêm kỳ thi đại học.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến, clip giám thị ném 'phao' ở Bắc Giang cho thấy khâu quản lý, tổ chức thi của địa phương đặc biệt hội đồng thi đó có vấn đề, đến mức không có kỷ cương, kỷ luật. Từ hội đồng thi cho đến giám thị đã bỏ vai trò của mình. Ông cũng cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ "bệnh thành tích". Việt Nam đang hướng tới phổ cập THPT thì không cần thiết tổ chức kỳ thi quốc gia như thế, tạo nên áp lực nặng nề. Đối với thí sinh tung clip lên mạng, theo ông Tiến, nếu thí sinh đó không tung lên mạng mà gửi lên Bộ Giáo dục, thanh tra tỉnh thì không gây dư luận như vậy. "Tuy nhiên, theo tôi, thí sinh ấy cũng có suy nghĩ không còn lòng tin vào cơ quan chức năng. Vì biết đâu đưa đến cơ quan thanh tra họ không xử lý gì thì sao? Clip của thí sinh đó có tác dụng tốt ở chỗ là làm cho xã hội và ngành giáo dục biết để uốn nắn, đưa vào quỹ đạo và làm căn cứ để kỷ luật. Việc bảo vệ quyền lợi cho thí sinh này đang được xem xét", ông Tiến nói. |
Tiến Dũng - Nguyễn Hưng