Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Điều (bố em Nguyễn Văn Nam, người đã quên mình cứu 5 em nhỏ trên dòng sông Lam) kể lại, trưa 2/6, chuẩn bị ăn cơm, ông thắp nén nhang cho con trai thì nghe chuông điện thoại reo. Nhấc máy, đầu bên kia vang lên tiếng em Nguyễn Công Tuyền (học cùng lớp với Nam) nói "sáng nay thi môn Văn tốt nghiệp có câu hỏi nói đến Nam nhà mình", rồi Tuyền đọc lại đề thi cho ông nghe.
Ông Nguyễn Văn Điều: "Xã hội nhớ đến hành động cứu người của Nam là niềm an ủi lớn đối với gia đình". Ảnh: Hải Bình. |
"Nghe xong tôi xúc động không nói nên lời, nỗi nhớ về Nam lại làm tôi trào nước mắt. Nhưng nén nỗi đau, tôi nghĩ đó là niềm tự hào về con trai. Đó cũng là niềm an ủi lớn với gia đình khi được xã hội nhớ đến", ông Điều tâm sự và cho hay không dám nói điều này với mẹ Nam ngay vì bà đang yếu, sẽ lại khóc vì xúc động. Đến buổi chiều ông mới nói chuyện, mẹ Nam chỉ lặng lẽ khóc.
Người bố cho biết, trước hôm thi tốt nghiệp, các bạn cùng lớp đến thắp hương cho Nam rất nhiều. Thấy các cháu trong làng xã đi xem số báo danh, cả gia đình ông đau lòng nhưng chẳng ai nói ra. "Trước khi Nam mất tôi đã nghĩ đến việc năm nay sẽ đưa con trai đi thi tốt nghiệp và thi vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, thế mà giờ không còn cơ hội đó nữa...", ông Điều nghẹn ngào nói.
Riêng bà nội của Nam lại có phần cứng cỏi. Chính bà đã động viên con cháu khi nghe mọi người kể hành động dũng cảm của Nam được đưa vào đề thi: "Mất đi đứa cháu bà cũng đau như đứt ruột rồi. Thôi các con đừng đau lòng quá nữa, xã hội đã quan tâm tới Nam nhà mình như thế là niềm an ủi lớn. Bây giờ các con phấn chấn lên để lo cho hai đứa còn lại ăn học và kiếm được việc làm".
Trước thông tin một số bạn đọc cho rằng Nam nên lường sức để bảo vệ mình trước khi cứu người, bố của nam sinh nói: "Nếu lường sức mình thì không kịp, có lẽ lúc đó Nam nghĩ mình đủ sức. Và trong hoàn cảnh đó ai cũng sẽ làm như thế thôi, chẳng còn kịp thời gian để suy nghĩ nữa".
Di ảnh của em Nguyễn Văn Nam, người đã quên thân mình cứu 5 em nhỏ trên dòng sông Lam chiều 30/4. Ảnh: Hải Bình. |
Là hiệu trưởng trường THPT Đô Lương 1, nơi Nam từng theo học, cô Nguyễn Thị Kiều Hương kể, dứt tiếng trống báo hiệu thi xong môn Văn, một giám thị hồ hởi chạy xuống báo đề thi có nói về em Nam. "Tôi rất bất ngờ, tự hào và thương Nam lắm. Theo dõi thông tin trên các báo viết nhiều về Nam, tôi ấn tượng nhất với một comment rằng nhìn thấy đề muốn nhảy vào làm luôn", cô Hương nói.
Bình luận về comment "cứu người nói chung cần có kỹ năng, nếu không sẽ dẫn đến bi kịch như Nam", cô Hương cho rằng không chỉ Nam mà bất kể người nào có lòng tốt đều làm như vậy. Phần đa sẽ đồng tình với hành động của Nam, bởi khi đó bản năng con người là xả thân ngay, chứ không nghĩ đến chuyện sống chết.
Cô hiệu trưởng cho biết thêm, năm nay số học sinh lớp 12 trường Đô Lương 1 tham dự kỳ thi tốt nghiệp là 633. Xong phần thi môn Văn, cô nhận được nhiều điện thoại của các em nói môn Văn đều làm câu hỏi về Nguyễn Văn Nam trước và làm rất tốt. "Tôi sẽ photo đề thi môn Văn và treo ở phòng truyền thống của trường để học sinh thế hệ mai sau nhớ về tấm gương học trò trường mình...", cô Hương nói.
Trước đó chiều 30/4, 8 học sinh ở xã Trung Sơn (Đô Lương) rủ nhau ra sông Lam tắm, 5 em bị nước cuốn trôi. Đi ngang qua thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, Nguyễn Văn Nam không ngại ngần lao xuống cứu. Sau khi đưa 4 em vào bờ an toàn, thấy còn Nguyễn Hữu Đô đang chấp chới, Nam dùng hết sức đẩy em vào bờ, còn mình bị kiệt sức và nước cuốn trôi.
Hành động quên mình cứu người của Nam đã được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2013. Đề thi yêu cầu thí sinh viết đoạn văn ngắn khoảng 400 chữ bày tỏ suy nghĩ về hành động của nam sinh này.
Hải Bình