Tôi 28 tuổi, bị trầm cảm nhiều năm nay và dần trở nặng hơn sau những biến cố. Tôi từng là nạn nhân của bạo hành gia đình, cũng là nhân chứng buộc phải chứng kiến tất cả. 14 tuổi, vì cái sai của người khác, tôi bị vu oan, chửi mắng, xúc phạm, bị lôi vào phòng đánh đập, miệt thị bằng những ngôn từ kinh khủng trong chính nơi người ta bảo là an toàn nhất - gia đình, từ người bố. Nó ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ, đêm khóc ướt gối.
Cấp 3 của tôi là những tháng ngày luôn phải chạy đua với thời gian, đến trường, tan trường chạy thật nhanh ra chợ phụ mẹ dọn hàng, chở mẹ và mọi thứ trên xe đạp, nấu nướng dọn dẹp, rồi lại tất tả chạy lên trường cho kịp buổi học. Là những ngày đứng ra bảo vệ mẹ, cả trong nhà lẫn ngoài chợ, khi mẹ bị bạo hành, tiếng đập phá, tan vỡ, tiếng la hét, quát mắng, chửi thề, miệt thị... Là những ngày luôn có người đến nhậu nhẹt, tôi chỉ biết chịu đựng, vâng lời, dọn dẹp, mua rượu, nấu mồi nhậu. Là những ngày tôi thu mình, hạn chế tối đa thời gian với bạn bè, không giao tiếp, không đi chơi, cắm trại ở trường. Dù lực học giỏi nhưng trước biến cố xảy ra, tôi trượt dốc, chỉ nghĩ mình phải bảo vệ mẹ, cố gắng vừa đủ điểm đậu tốt nghiệp. Thời gian ít ỏi còn lại, tôi tìm đến các nhà dưỡng lão, mái ấm để chia sẻ và đồng cảm. Tôi cảm thấy họ có gì đó mình muốn bù đắp, như cho chính mình.
Sau đó, tôi có ý nghĩ rất ngô nghê là muốn trốn vào thế giới trẻ thơ, mong trái tim mình được xoa dịu, có thể quên đi ám ảnh. Tôi chọn học sư phạm mầm non. Ngày ngày, ám ảnh chưa bao giờ buông tha tôi, chúng xuất hiện bất cứ lúc nào và tôi chỉ biết một mình gào thét, đau đớn trong câm lặng. Tôi sợ mẹ nghe thấy, không dám nói ra vì sợ mẹ buồn. Nhưng tôi không còn cam chịu như cấp 3 mà bướng bỉnh, ương ngạnh, cãi lại người bố mà tôi đã xem như không có từ lâu.
Một hôm, tôi đang ngủ, mẹ nói với chị tôi rằng: "Nó không phải con người, là con quỷ, yêu ma đầu thai...". Sau đó, mẹ nghe lời người khác cho là tôi bị vong âm theo. Mẹ gạt tôi đến nhiều nơi để chữa vong. Một lần khác, mẹ bắt tôi uống bùa, tôi đau bụng quằn quại 3 đêm. Mẹ chứng kiến tất cả nhưng khi tôi vừa khỏi, mẹ lại ép uống tiếp. Tôi phản kháng, cãi lại trong tuyệt vọng, sợ hãi tận cùng. Đến nay, những câu chửi đó của mẹ vẫn còn ám ảnh tôi. Nhưng tôi luôn chăm sóc, báo hiếu mẹ dù mỗi khi ám ảnh xuất hiện, tôi hoảng sợ, chỉ muốn trốn trong phòng, sợ gặp và nói chuyện với mẹ.
Rồi tôi có bạn trai và gặp cú sốc lớn trong tình yêu. Anh ta từng trả lời tin nhắn của tôi rằng: "Em bị bệnh tâm thần, đừng bao giờ tìm anh nữa". Cuối cùng, bộ mặt của tên ác ma đã hiện rõ. Khi đó, tôi không biết rằng trong mắt nhiều người trầm cảm là bệnh tâm thần, rất xấu xa, như một mối nguy hiểm, nên những người bị bệnh như tôi luôn bị kỳ thị, xa lánh, kể cả những người bạn. Dù bệnh nhưng bao năm qua tôi vẫn duy trì hoạt động thiện nguyện, vẫn sống chân thành với đời, với người.
Khi đi dạy ở trường mầm non, chứng kiến nạn bạo hành trẻ mỗi ngày, tôi bị sốc tâm lý nặng, mọi ký ức bạo hành ập đến. Tôi cố bảo vệ bọn trẻ. Sau đó, tôi xin nghỉ dạy, đi chạy bàn, phụ bếp,... Rồi tôi xin dạy lại nhưng cũng không được lâu. Lúc này mẹ càng tin tôi bị vong theo nên công việc mới không suôn sẻ. Cuối cùng tôi cũng xin được vào một ngôi trường mầm non tử tế, cuộc sống tạm ổn dần. Tôi có người yêu và dành hết tình cảm chân thành cho anh nhưng bi kịch lại xảy ra lần nữa: anh lừa dối tôi và chúng tôi chia xa.
Sau những chuỗi biến cố ấy, bệnh trầm cảm của tôi nặng hơn. Khi sức chịu đựng vượt ngưỡng giới hạn, khi những cơn ám ảnh không chỉ giày vò hàng đêm mà cả ban ngày, tôi bế tắc. Tôi thu mình lại, hay bị khó thở, làm việc chậm chạp hơn, có khi hoạt động bình thường cũng trở nên khó khăn, áp lực. Dù cố gắng nhưng tôi vẫn bị giáo viên khác miệt thị, xúc phạm, nói tôi lơ ngơ, chậm chạp. Tôi không còn sức phản kháng, chỉ im lặng, trong đầu văng vẳng những trận bạo hành, câu chửi,... Sau đó, tôi chữa bệnh trầm cảm một mình, bằng trị liệu tâm lý nhưng với chi phí khá cao. Và tôi nhận ra cách chữa trị tốt nhất là tình yêu thương, niềm tin - điều rất xa vời với tôi - nên tôi dừng trị liệu.
Tôi xin nghỉ dạy vì cảm thấy không thể chăm sóc tốt cho các bé và cố gắng xin làm thêm nhiều nơi, thử nhiều cách, tìm đọc sách tâm lý, các bài báo mạng về trường hợp của mình nhưng vẫn cảm thấy bất lực. Tôi không còn nhận ra mình của trước đây - một người năng động, hòa đồng, thích tham gia các tổ chức, hoạt động. Tôi ngày càng thu mình, sợ đám đông, sợ nghe tiếng cãi nhau, chửi tục. Tôi vẫn ngày ngày đấu tranh với chính mình, với những ám ảnh. Liệu có lối thoát nào cho tôi không? Liệu sau này tôi có thể bắt đầu lại nghề giáo mà mình yêu thích? Khát khao về một mái nhà bình dị, ấm áp, nơi có niềm tin và sự an toàn, có xa xỉ với tôi quá không?
Tôi vẫn dành tình yêu thương và biết ơn đối với mẹ, nên mong mọi người đừng nói điều gì không tốt về mẹ của tôi. Tôi chỉ mong nhận được lời khuyên từ mọi người để tìm hướng giải quyết. Chân thành cảm ơn.
Tường Vi
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.