Sau bài viết ‘Tội đâu anh chịu’, nhiều độc giả chia sẻ đã gặp nhiều khó khăn khi không nghe những chỉ đạo sai trái của sếp:
Tình trạng này ở Việt Nam là nhiều lắm, tôi đã gặp mấy sếp như vậy trong nửa quá trình công tác (15 năm). Tôi đã cố tình tránh được như lời khuyên của luật sư Đức. Tuy nhiên tôi cũng phải trả giá trong cuộc sống vì không làm theo chỉ đạo miệng của các sếp, hậu quả là cuộc sống của gia đình, vợ con khó khăn hơn.
Đừng nói chi xa ngành ngân hàng. Tôi đây chỉ là một tài xế cho sếp, nhiều khi sếp có chuyến công tác đột xuất, sếp bảo chú cứ chạy cho kịp giờ, mọi thứ anh lo. Đúng là sếp có thể lo, nhưng nếu xảy ra tai nạn thì tôi biết sếp không thể ở tù thay tôi được.
Nhưng nếu làm sếp trễ giờ thì xác định bị phê bình, không tín nhiệm, hoặc có thể nghỉ việc. Nhưng nếu cứ chiều lòng sếp thì cũng có ngày rắc rối. Nên tôi quyết định không lái riêng cho sếp nữa, chỉ lái chung cho văn phòng. Dẫu biết rằng lái cho sếp được nhiều ưu đãi, uy tín, nhưng cũng kèm nhiều rủi ro tù tội hay mất mạng.
Khi chỉ đạo miệng mà cấp dưới không làm theo thì sẽ bị trù dập, công việc đều khó khăn. Các việc tốt sẽ chẳng bao giờ đến tay nên cấp dưới cứ phải cả nể mà nghe theo, bụng thì nghĩ "chắc sẽ không sao đâu" và thế là làm thôi. Làm ở doanh nghiệp ngoài còn xin nghỉ để tìm chỗ khác chứ đang làm công chức, viên chức mà xin nghỉ thì đi ra ngoài xin việc rất khó.
Độc giả Le Huyen Bui đưa ra lời khuyên:
Hãy trình bày với sếp, nêu rõ đúng, sai, lợi, hại. Nếu sếp vẫn quyết vậy, hãy khéo léo xin bút phê, hoặc kiên trì xin ý kiến bằng văn bản, e-mail, tin nhắn... hoặc bất cứ phương tiện thông tin nào có thể truy vết. Đó chính là bằng chứng trong trường hợp xấu nhất.
Nếu vì thế mà bị sa thải, nên lấy đó là may mắn: ta không thể phục vụ cho một tổ chức mà sếp vừa coi thường luật pháp, mà nghiêm trọng hơn, đẩy cấp dưới vào vòng lao lý bằng việc đổ vấy trách nhiệm, còn bản thân vô can, như không có chuyện gì xảy ra.
Bạn, hoặc mất việc và có thể tìm một tổ chức lành mạnh, có tình, để phục vụ; hoắc là nhắm mắt, đưa chân, để một mình vô tù.
Độc giả Sr.G:
Vẫn là lựa chọn thôi. Rất nhiều người nói rằng giỏi thì sống ở đâu cũng được, điều đó đúng, nhưng người giỏi thì ít lắm, phần lớn là người khá thôi. Thêm nữa, thực tế, cuộc sống này người giỏi lại không dám liều lĩnh và cũng không dễ nhẫn nhịn như người khá.
Những vụ việc như này không hiếm, không phải do người ta kém mà nó xuất phát từ văn hóa lâu đời của quan hệ chủ tớ và văn hóa tuyển dụng của ta thôi. Nếu thuộc cấp lưu bằng chứng tố cáo một cách vô tư, khách quan không mang tính soi mói vu hại thì cơ hội việc làm của họ gần như đứt đoạn từ đây.
Lỗi cố tình chỉ đạo sai phạm ở ta còn quá nhẹ, nhưng thực tế nó là ngọn nguồn của rất nhiều đại án đấy. Bạn có bỏ nơi này đi nơi khác làm thì cũng là bình mới rượu cũ thôi, ở đâu cũng là tình huống này cả thôi, chưa nói đến việc bạn có đi được không còn là vấn đề nan giải.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.