Tôi có đọc bài '3 cách đầu tư 'nguồn vốn con người' của bạn Vincent Le. Nội dung của nó chỉ là nhấn mạnh "con người là vốn quý nhất". Nhưng biết là một chuyện, làm thế nào lại là chuyện khác.
Bạn cho rằng giáo dục phổ thông Việt Nam tốt. Dưới con mắt của người nước ngoài thì học sinh Việt Nam rất tốt. Bất kể là học sinh du học tự túc (du học bậc phổ thông) hay con của Việt kiều định cư nơi xứ người. Người ta mặc nhiên cứ là người Việt hoặc có gốc Việt thì chắc chắn là học sinh giỏi, là niềm kiêu hãnh của nhà trường.
Tuy nhiên, chính những học sinh giỏi này vào học đại học thì "mất tích" luôn, chẳng có mấy người nổi bật. Bạn Vincent Le cho rằng đào tạo đại học Việt Nam chưa tốt. Vâng. Nhưng những du học sinh tốt nghiệp đại học nước ngoài về rồi lại phải ra nước ngoài để tìm việc làm thì sao?
Từ hai bài viết của hai tác giả trên, tôi đặt ra câu hỏi, xã hội Việt Nam có biết, có khả năng "xài" cái "vốn quý nhất" ấy không? Tôi thuộc thế hệ 6x, tốt nghiệp đại học kỹ thuật với tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Khi đi tìm việc làm, chẳng có nơi nào chế tạo ra cái máy gì.
Nơi nào cũng nhập khẩu linh kiện về lắp thành cái máy. Tôi như vậy thì những du học sinh mà bạn Khanh đề cập làm sao có cơ hội? Để trang trải cuộc sống, tôi phải vứt cái bằng kỹ sư ấy vào sọt rác, đi học bằng hai về tài chính mới xin được việc làm.
Bằng một là niềm đam mê, bằng hai là cơm áo gạo tiền. Thời của tôi chưa có điều kiện du học, bằng không, chắc tôi cũng đi du học nước ngoài về kỹ thuật rồi ở luôn bên đó.
Học sinh Việt học Toán, Lý, Hóa rất nặng nề. Nhưng xã hội Việt Nam thì gần như mất đứt cả một mảng nghề nghiệp thuộc về kỹ thuật. Những ngành nghề kỹ thuật mà ta có toàn bộ là gia công lắp ráp, mất hẳn thiết kế chế tạo.
Phía trên thiết kế chế tạo là nghiên cứu vật liệu, gia công vật liệu và nghiên cứu công nghệ sản xuất của các vị tiến sỹ khoa học tự nhiên thì đương nhiên là ta cũng không có.
Ngành kỹ thuật là ngành khó có ai có thể tự ra làm chủ nếu không có vốn khởi nghiệp thật lớn – hàng tỷ đô la. Ví như Huyndai và Samsung, ai có thể tạo ra những tập đoàn như thế mà cạnh tranh với nó? Muốn tạo ra những đại tập đoàn như thế đòi hỏi phải có sự hợp tác của những người có tiền và có nghề.
Trên diễn đàn xe hơi người ta bàn tán về thương hiệu xe nọ kia. Nhưng mấy ai biết mỗi thương hiệu ấy là hàng chục đến cả trăm thương hiệu nhỏ hợp tác lại với nhau. Mỗi thương hiệu nhỏ ấy chỉ chuyên nghiên cứu – sản xuất – chế tạo một loại linh kiện nào đó. Những linh kiện này được thương hiệu lớn đặt hàng, gom về lắp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Người ta mua cái sản phẩm hoàn chỉnh (như cái xe hơi) chứ ai mua cái bán thành phẩm – linh kiện – bao giờ.
Ví như thương hiệu nhỏ chuyên sản xuất động cơ. Nó không chỉ sản xuất động cơ cho xe hơi mà còn sản xuất mọi loại động cơ cho các máy móc khác bao gồm cả máy móc thuộc về quốc phòng. Người ta mua sản phẩm tiêu dùng, họ chỉ quan tâm thương hiệu của sản phẩm ấy, mấy ai biết từng cái linh kiện trong đó đều có thương hiệu riêng.
Nền công nghiệp kỹ thuật nói chung là một hệ thống xuyên suốt. Đầu tiên là anh chuyên khai thác mỏ và tài nguyên thiên nhiên dạng thô. Thứ 2 là anh chuyên gia công tinh chế các vật liệu dạng thô ấy. Thứ 3 là anh chuyên dùng vật liệu tinh chế ấy để gia công chế tạo linh kiện. Thứ 4 là anh mua đủ thứ linh kiện cần thiết về lắp thành đồ vật gì đó. Cuối cùng mới là cái anh kinh tế mang cái đồ vật ấy đi bán cho người tiêu dùng.
Sản phẩm của anh thứ nhất chỉ có thể bán cho anh thứ 2, sản phẩm của anh thứ 2 chỉ có thể bán cho anh thứ 3, cứ thế cho đến anh cuối cùng. Xã hội chúng ta chỉ có anh thứ 4 và anh cuối cùng, mất đứt 3 anh đầu tiên. Đã thế, anh thứ 4 chỉ có một nửa, mất đứt khâu thiết kế mẫu sản phẩm. Bằng kỹ sư của tôi là phải làm việc cho cái anh thứ 3 ở trên. Chúng ta làm gì có ngành đó. Mất cả mảng lớn ngành nghề như vậy nên chúng ta có rất ít nghề để học, rất ít công việc để làm.
Xã hội chỉ loay hoay với những công việc lắp ráp, buôn đi bán lại. Học đến tiến sỹ mà không có đề tài gì để nghiên cứu, học đến kỹ sư mà không có việc đúng chuyên môn để làm thì ai học?
Hoặc là người ta đi du học rồi ở luôn ở nơi mà họ du học, hoặc là đổ xô vào một ít ngành nghề phổ biến dẫn đến nhân lực ngành này thừa cả mớ, ngành kia đốt đuốc ban ngày kiếm không ra.
Từ đây, chúng tôi mới đặt câu hỏi, không có các ngành nghề cơ bản làm chỗ dựa cho nền kinh tế thì học sinh đào sâu các môn Toán, Lý, Hóa (là các môn học cơ bản của những ngành đó) để làm gì ? Làm sao đầu tư vào con người đây?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.