Chị Thanh Hương (35 tuổi,huyện Nhà Bè, TP HCM) thông thạo 2 ngoại ngữ: Anh, Hàn. Tính đến nay, chị có hơn 10 năm dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc nên hiểu được phần nào văn hóa, con người họ. Gặp một cô gái trẻ đến nhờ dạy tiếng Hàn để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân môi giới với chồng bên đó, chị Hương vui vẻ nhận lời. Nhưng chị đã bị cắt hợp đồng chỉ sau hai buổi, vì đưa ra những lời khuyên thực tế cho cô gái. Dưới đây là chia sẻ của chị.
Tôi là phụ nữ Việt lấy chồng Hàn. Chúng tôi quen lâu mới làm đám cưới, nhưng đến nay đã hơn 10 năm chung sống tôi vẫn còn chưa hiểu hết anh ấy. Ba năm đầu, chúng tôi thường mâu thuẫn, tưởng như đường ai nấy đi, vì bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, dù cả hai đều nói được tiếng của nhau. Mỗi lần nhìn chồng cười rạng rỡ khi nói chuyện với chị gái, tôi chỉ biết ngẩn ngơ đặt câu hỏi, sao với mình anh không được như vậy. Có lần, anh nói, khi chúng tôi giao tiếp chỉ dùng những từ dễ hiểu nhất, vì thế, muốn tâm sự rất khó. Tôi nghe rất buồn, quyết tâm học thêm ngôn ngữ Hàn, tìm hiểu văn hóa Hàn để hiểu chồng hơn. Anh cũng đi học tiếng Việt, đọc nhiều sách văn hóa Việt để vợ chồng hiểu nhau hơn. Đến nay, chúng tôi đã có sự chia sẻ và đồng cảm với nhau nhiều hơn.
Bốn năm trước, tôi nhận dạy tiếng Hàn cho Lan, cô gái khi đó 18 tuổi có giấc mơ lấy chồng ngoại. Nhìn cô bé ngây thơ, trong sáng, nghĩ đến quãng thời gian làm vợ và những lần chứng kiến một số cô dâu Việt bị nhà chồng hắt hủi, xem thường, tôi xót lắm.
Buổi học đầu tiên, qua những câu hỏi thông thường, tôi biết, Lan và bạn trai quen qua môi giới, chưa gặp nhau lần nào. Họ chỉ trò chuyện qua điện thoại bằng lời phiên dịch của người thứ ba. Vậy mà cô bé chắc như đinh đóng cột, người chồng mình chuẩn bị cưới là giám đốc, đang sống ở thành phố, qua bên đó sẽ sung sướng, có tiền gửi về cho ba mẹ làm nhà. Tôi nghĩ, vậy là không ổn rồi. Tôi gần 30 tuổi mới lấy chồng, hai bên tìm hiểu kỹ, anh sang Việt Nam sống mà còn trầy da tróc vảy thì liệu Lan mới ít tuổi, chưa biết gì về nhà chồng, tính tính của chồng thì sẽ ra sao.
Lan không hiểu rằng, ở Hàn Quốc, người bán hàng trên đường, chủ một trang trại, người bỏ vốn thành lập công ty hay một người nông dân làm chủ… cũng được gọi danh xưng là giám đốc. Đàn ông khi muốn tìm vợ thông qua môi giới kết hôn nước ngoài thường phải trả phí 3.000 - 4.000 USD. Đa số họ ở những vùng quê, lao động chân tay là chủ yếu.
Tôi không phủ nhận có những cô gái Việt lấy chồng Hàn hạnh phúc, được yêu thương, tôn trọng, trong đó có câu chuyện của tôi, nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Có nhiều trường hợp cô dâu Việt có giấc mơ chồng ngoại thông qua con đường môi giới như Lan phải sống trong cảnh nhịn nhục, bị coi thường, thậm chí bị đánh. Bởi vì hai người giao tiếp không hiểu ngôn ngữ, không nói hết được những suy nghĩ của mình thì ức chế vô cùng.
Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của chồng khi anh gặp thất bại trong công việc đã về khóc với vợ trong men say khi chúng tôi mới kết hôn. “Em có hiểu những gì anh phải chịu khi sống ở Việt Nam không. Rất nhiều điều, anh muốn tâm sự, muốn em hiểu nhưng không biết diễn tả như thế nào”, anh nói. Lúc đó, tôi chỉ biết ngồi im nghe anh trải lòng.
Được chồng hứa hỗ trợ, tôi lên kế hoạch giúp Lan tỉnh ngộ. Tuy nhiên, nếu khuyên đừng lấy người đàn ông kia nữa thì không được, có thể anh ấy là người tốt cho cô bé thì sao, hơn nữa, cô bé cũng có quyết tâm rất cao. Tôi chỉ biết hứa sẽ dạy tiếng Hàn, một tuần hai buổi miễn phí. Song song đó, tôi cũng kể thêm cảnh khổ của một số cô gái lấy chồng Hàn qua môi giới, và phải làm thế nào để hòa nhập tại đất nước không phải quê hương mình. Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là một rào cản vô cùng lớn giữa hai vợ chồng. Tôi khuyên Lan với mong muốn cô bé sẽ nhận thức lại được việc mình chưa tìm hiểu kỹ bạn đời có thể sẽ không đem lại hạnh phúc.
Với sự đồng ý của chồng, tôi cũng đưa số điện thoại cho Lan, để bạn trai cô ấy có thể nói chuyện với chồng tôi. Hai người đàn ông Hàn Quốc nói chuyện với nhau sẽ có những lời khuyên thích hợp. Còn Lan, tôi khuyên hãy tìm mọi cách mời chồng tương lai sang Việt Nam tìm hiểu thêm về văn hóa, nếu gửi tiền về thì gửi trực tiếp về cho mình, chứ đừng thông qua môi giới. Vậy mà, tất cả những lời khuyên của tôi đều vô nghĩa với cô gái trẻ. Lan nghe chỉ ậm ừ.
Học xong ngày thứ hai, Lan nghỉ không thông báo. Hợp đồng giúp dạy tiếng Hàn của tôi với bên môi giới cũng không còn nữa. Tôi rất buồn và tiếc không phải vì mình mất công việc mà cho một một cô gái trẻ, tuổi xuân đang tràn đầy, vậy mà phó mặc cuộc đời cho người đàn ông chưa một lần gặp, chưa biết tí gì về nhau. Liệu rằng, tuổi còn trẻ như vậy, Lan có chịu được những khắc nghiệt khi đi làm dâu xứ người, hay mới chân ướt chân ráo đã tìm cách thoát rồi... Tìm hiểu, tôi mới biết, Lan làm như vậy là do tôi khuyên thẳng và thật quá.
Tôi không biết cuộc sống bây giờ của Lan ra sao, vì chuyện xảy ra đã hơn bốn năm rồi. Nhưng tôi mong Lan và những cô gái có giấc mơ lấy chồng không chỉ Hàn Quốc mà ở các quốc gia khác, là nếu sống ở đất nước họ hãy học tiếng của họ, tìm hiểu văn hóa đất nước họ và tự trang bị những kỹ năng tự bảo vệ cho mình, như: nên có số điện thoại của lãnh sự quán ở Việt Nam tại nước đó và các tổ chức giúp đỡ cô dâu Việt. Không bao giờ là thừa đâu. Ngày tôi mới sang quê chồng, dù chúng tôi tìm hiểu rất kỹ, hai gia đình đã gặp nhau, nhưng tôi vẫn tìm số điện thoại các tổ chức trên.
Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp, số công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài từ năm 2008 tới 2016 là 152.029 người. Trong đó, các tỉnh miền Tây Nam Bộ có nhiều trường hợp kết hôn với người Đài Loan và Hàn Quốc nhất. Theo Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc, hiện có khoảng 1.250 công ty môi giới hôn nhân, dàn xếp khoảng 15.000 đám cưới mỗi năm giữa nam giới Hàn Quốc và phụ nữ ngoại quốc, hầu hết từ các nước Đông Nam Á. Bi kịch của những cuộc hôn nhân giữa vợ Việt - chồng Hàn thường là do môi giới hôn nhân được thực hiện chóng vánh như chợ cóc; các cô dâu bị đưa sang Hàn Quốc và Đài Loan mà không được trang bị một chút kỹ năng nào. |
Phan Thân (ghi)
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi