Tôi 30 tuổi, đã lập gia đình và có một con. Từ nhỏ tới lớn, tôi luôn phải sống trong sự bắt buộc và bao bọc của cha mẹ. Cha mẹ và người thân luôn chê bai tôi kém cỏi, chậm chạp. Trước mặt người khác, tôi chưa kịp mở miệng đã bị nói “con này ngố lắm, chẳng biết gì”. Tôi hay bị so sánh, không được cãi lại hoặc tự ý làm gì. Cha mẹ tôi rất hay đánh nhau và chửi bậy, rồi làm tổn thương nhau. Lâu dần tôi cảm thấy rất tự ti, không biết sao mình rất nhát và luôn có thái độ tiêu cực. Dù chưa muốn lấy chồng nhưng tôi cũng buộc phải lấy đại người mình không yêu vì gia đình thúc giục ghê gớm, tôi không chịu nổi áp lực đó.
Tuy nhiên, khi đi làm tôi như biến thành người khác, rất được sếp và mọi người quý mến, kể cả người nước ngoài và nói chuyện rất tự nhiên. Nhưng cứ với người quen trong gia đình và cả họ nhà chồng, tôi luôn có một nỗi sợ và khó để giao tiếp với họ. Thậm chí tôi còn không muốn giao tiếp, chỉ thích một mình. Tôi đã học cách thay đổi nhưng không cải thiện được. Tôi có đủ khả năng nuôi con một mình và không muốn ở với chồng, thế giới của tôi ngày càng thu hẹp. Tôi bất lực và thấy mình thật vô dụng khi kém cỏi trong giao tiếp. Chỉ khi sống một mình và ở một nơi toàn người lạ tôi mới thấy mình có khả năng. Tôi thấy chán cuộc sống này quá và không biết làm cách nào để thoát ra được. Nếu chưa có con chắc tôi cũng không muốn sống nữa. Xin chuyên gia và mọi người hãy cho tôi lời khuyên vì tôi đang rất mệt mỏi. Tôi xin cảm ơn.
Thoa
TS.Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN gợi ý:
Chào Thoa,
Tôi rất tiếc về những trải nghiệm buồn trong cuộc đời mà bạn đã trải qua. Việc lớn lên trong bối cảnh những người thân yêu nhất luôn chỉ trích và chê bai đã làm xói mòn sự tự tin của bạn, làm cho bạn ngại thể hiện bản thân, ngại đòi hỏi sự công bằng cũng như quyền lợi chính đáng của mình. Cách hành xử của bố mẹ khiến bạn luôn đặt nhu cầu và nguyện vọng của người khác lên trên nhu cầu của bản thân. Bạn phải lấy đại người mình không yêu vì áp lực gia đình là biểu hiện rõ ràng nhất của việc này. Có lẽ bạn không hề cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình.
Đối nghịch với cái nhìn kỳ thị, bất công trong gia đình, ở chỗ làm bạn hoàn toàn biến thành người khác vì ở nơi này bạn được thể hiện những tiềm năng, được đồng nghiệp nhận ra và trân trọng. Qua chia sẻ trên, tôi tin chắc bạn có những nét duyên đặc biệt gây thiện cảm với người khác, chỉ là chính bạn nhiều khi hạ thấp những điểm tích cực của mình thôi.
Bạn đang có các dấu hiệu rõ ràng của bệnh trầm cảm. Nếu đang có suy nghĩ tự vẫn thì bạn hãy tìm đến ngay một nhà tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ tâm thần, họ sẽ tiến hành quá trình đảm bảo an toàn, điều trị và đồng hành cùng bạn. Tự bạn cũng có thể ghi ra giấy một vài lý do khiến mình vẫn muốn tiếp tục cố gắng, số điện thoại của một người bạn thân, một chuyên gia tâm lý, một hoạt động khiến bạn dễ chịu để động viên mình trong những thời khắc khó khăn nhất.
Sau khi đã ổn định, bạn nên nghĩ tới những mục tiêu tiếp theo và cố gắng đạt được:
- Hãy chấm dứt việc chỉ thỏa mãn nhu cầu của người khác mà quên đi nhu cầu, mong muốn của bản thân.
- Học cách nói không và đưa ra yêu cầu với người khác một cách hiệu quả.
- Cải thiện mối quan hệ với chồng và tìm những người hỗ trợ, giúp đỡ mình ngoài gia đình.
- Tìm kiếm và gìn giữ một tình bạn thân thiết, tri kỷ.
- Không nên quá gần gũi những người có cái nhìn ác cảm, không công bằng với bạn.
Chúc bạn luôn kiên cường.
Muốn được TS.Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)