![]() |
Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai. Ảnh: PV. |
- Vừa qua báo chí liên tiếp đưa tin về tình trạng giáo viên, cán bộ ngành giáo dục đối xử thô bạo với học sinh khiến em Trâm ở Đồng Tháp bị hoảng loạn, em Thái ở Quảng Bình bị chấn thương sọ não. Thứ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Tôi thực sự buồn. Làm về mảng chăm sóc trẻ khuyết tật nên tôi thấy cần phải chăm chút từng đứa trẻ để cố gắng tạo điều kiện cho các em hòa nhập và phát triển. Ngay như trẻ bị thiểu năng trí tuệ, mình cũng phải tìm người giúp đỡ chúng về mặt tâm lý. Một sinh mạng cũng là một con người, nên các nhà giáo dục cũng không tha thứ cho những hành vi vừa qua.
Sau khi nghe tin về bé Trâm, tôi đã chỉ đạo ngay Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp. Lãnh đạo Sở cũng đã về thăm và hỗ trợ gia đình bé Trâm 5 triệu đồng. Khi mình biết thì sự việc xảy ra rồi, giờ phải giải quyết hậu quả của nó.
- Theo bà, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến việc hành xử thiếu đạo đức này?
- Trong cuộc đời, đôi khi xảy ra những thứ không ai muốn. Họ cũng là những người hiểu biết nhưng việc xử lý các tình huống đối xử không tốt. Ví dụ, trong tình huống “hỏi cung” em Trâm, phải nói công bằng là mục tiêu ban đầu chắc không ai muốn hại đứa trẻ. Nhưng phải xử lý tình huống như thế nào? Do vậy, ngay từ nhỏ, trẻ cần phải được giáo dục cách ứng xử tình huống.
Ở các nước tiên tiến, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, người ta đã cho trẻ tập làm lãnh đạo, khi gặp tình huống, xử lý mới tốt. Về thày hiệu trưởng của bé Trâm, tôi tự hỏi, cái tâm của ông Hiệu trưởng đó có tốt không? Cả cuộc đời làm nghề giáo chắc ông không hành xử trái với lương tâm như vậy để rồi chỉ vì việc đó mà mất việc. Ngay cả anh công an cũng vậy thôi. Rõ ràng là văn hóa ứng xử ở ta vẫn còn kém.
Yếu kém trong giao tiếp và yếu kém trong quản lý khiến họ hành động như vậy. Từ đứa trẻ hư hỏng mình phải giáo dục để nó trở thành người tốt, chứ sao lại làm đứa trẻ tốt trở thành tật nguyền? Đó là điều vô cùng đáng buồn. Bây giờ tôi tin là thày hiệu trưởng đó rất ân hận, nhưng chỉ vì xử lý quá kém nên mới dẫn đến tình trạng như vậy và phải chấp nhận hậu quả đó.
- Phải chăng áp lực nghề nghiệp và tác động thị trường đã khiến đạo đức giáo viên xuống cấp?
- Phải khẳng định, bây giờ giáo viên ứng xử tốt hơn ngày xưa. Hơn nữa, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng nên các sự vụ kiểu này được nhiều người biết hơn.
Ngày xưa, khi tôi đi học, thấy học sinh nói chuyện, thày cô ngồi bên trên phi thước bản to bằng gỗ lim vào học sinh, vỡ đầu nhưng đâu ai dám nói. Hỏi thày cô có thương học trò không? Có thương chứ.
Tác động của thị trường cũng chỉ có một phần. Phàm là nhà giáo thì cái tâm luôn phải được rèn luyện, cũng giống như ngọc vậy, càng mài càng sáng.
- Vậy sắp tới, Bộ sẽ có biện pháp gì để tránh lặp lại những sự việc tương tự?
- Sắp tới Bộ sẽ ra chuẩn giáo viên và phát động phong trào học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Vừa qua, khi báo chí góp ý rằng chuẩn giáo viên không hiện thực, chưa bao giờ trong đời tôi lại đọc kỹ từng các ý kiến đóng góp như vậy, đọc từng câu để xem sửa được cái gì. Nhờ vậy, đến giờ tôi rất yên tâm về chuẩn giáo viên này bởi tôi đã đầu tư vào đó như một luận án thứ hai của mình.
Thứ hai tôi sẽ về Đồng Tháp xem tình hình em Trâm như thế nào. Khi sai người ta ân hận lắm. Nên mình cũng phải góp tiếng nói để hiệu trưởng thấy được cái sai đó và cái quan trọng là tìm cách cứu đứa trẻ.
Tiến Dũng (Thực hiện)